Tàn đời sau song sắt vì một miếng pizza

ANTĐ - Một nghiên cứu gây sốc được Hiệp hội tự do dân sự Mỹ (viết tắt là ACLU) công bố tháng 11-2013 cho thấy, hơn 3.200 tù nhân Mỹ đang thụ án chung thân không ân xá vì phạm phải các tội như tàng trữ ma túy, ăn cắp xăng xe tải, trộm cống, ăn trộm áo khoác hay một mẩu pizza. Các bản án là hệ quả của luật chống ma túy đã được áp dụng từ 40 năm trước và những điều luật cực kỳ nghiêm khắc mang tính răn đe.

Nhiều nhà tù ở Mỹ quá tải một phần vì những đạo luật quá khắt khe 

Những bản án “kỳ quặc” 

“Họ coi nó như thể một tên tội phạm nguy hiểm”, bà Judith Minor đã phải sống với thực tế đó trong 13 năm qua - kể từ khi con trai bà, Ricky bị đưa vào nhà tù ở thành phố Yazoo, bang Mississipi vì tàng trữ 1gram methamphetamine. Anh này bị kết án chung thân không ân xá - điều mà người mẹ 76 tuổi không thể tưởng tượng được. Bà  Judith nhớ như in hôm đó, thẩm phán nói rằng, ông không làm quá nhưng Ricky sẽ bị tách khỏi đời sống xã hội suốt đời, nghe tuyên án bà ngã khuỵ khỏi ghế.

Một trường hợp khác là Sharanda Jones.  Sharanda bị kết án chung thân vì phân phối cocaine khi cô 32 tuổi và đang nuôi con gái 9 tuổi, trước đó không tiền án. Khám xét nơi ở của Sharanda Jones không thấy ma túy nhưng bạn của cô làm chứng chống lại cô. Phải nói thêm, Sharanda bị bắt trong một cuộc truy quét tội phạm ma túy tại thị trấn đa phần người da trắng sinh sống ở Texas. Hơn 100 người bị bắt, tất cả đều là dân da màu. Vụ của Sharanda do không có tình tiết để giảm án nên thẩm phán không còn sự lựa chọn nào khác là áp dụng đúng khung hình phạt.

Đó không phải là những trường hợp hy hữu trong hệ thống tư pháp Mỹ. Chỉ cần là một đôi tất, một lát bánh pizza, nhiều kẻ trộm vặt  đã phải chịu án tù chung thân ở Mỹ. Chính xác 3.278 người Mỹ thuộc đối tượng trẻ vị thành niên, tội phạm phi bạo lực đang chịu mức án khắc nghiệt này.

Các bản án là hệ quả trực tiếp của luật chống ma túy đã được thông qua hơn 40 năm qua và những quy định nhằm hiện thực hóa chính sách cứng rắn đối với tội phạm. Trong khi đó, ở một số bang như Louisiana và Florida còn áp dụng luật “quá tam”, quy định đối tượng sẽ bị tù chung thân nếu bị kết án 3 lần. Vì thế, có người đàn ông ở bang Louisiana say rượu, đe dọa cảnh sát nên bị bắt. Sau 3 lần kháng án, người đàn ông đã chịu mức án chung thân bởi 2 tiền án có từ 20 năm trước.

Hy vọng mong manh

Bà Jennifer Turner, nhà hoạt động xã hội thuộc ACLU kể về số phận một người đàn ông bị bắt vì tội trộm cắp khi 16 tuổi. Vì đánh cắp khẩu súng của cha dượng sau khi người này dùng súng dọa giết mẹ mình, anh ta đã phải chịu án chung thân. “Với những bản án dài như vậy, nhiều người sẽ chết trong tù, sẽ không bao giờ thấy được tự do nữa”, Jennifer Turner nói. Jennifer Turner cùng các đồng nghiệp đang thực hiện chiến dịch để cảnh báo về tình trạng tù nhân “sống dở chết dở” này. Dicky Joe Jackson, một tù nhân đã thụ án được 17 năm cho biết: “Cảm giác thật kinh khủng, tan nát. Tôi thà bị án tử hình hơn là tù chung thân như thế này”.

Như trường hợp mẹ con Sharanda Jones nói trên phải sống trong sự chia ly rất tội. Mẹ chỉ được gặp con gái mỗi tháng một lần. Nhìn con gái Clenesha lớn lên giờ đã phổng phao, Sharanda chỉ mơ ước có một ngày được chứng kiến buổi lễ tốt nghiệp trung học của con. Niềm an ủi duy nhất với người mẹ đơn thân này là hiện mỗi ngày cô được gọi điện cho con gái 10 phút.

“Chúng tôi chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu, nhưng 25% tù nhân trên thế giới là ở Mỹ”, bà Turner nhấn mạnh.  Cũng theo nghiên cứu của ACLU, 65% số tù nhân chịu án chung thân này là người Mỹ gốc Phi, riêng ở bang  Louisiana, tỷ lệ đó lên tới 91%. “Một vòng luẩn quẩn của nghèo đói, tội phạm và vòng lao lý bao quanh nhiều người Mỹ và làm suy yếu nhiều cộng đồng”, Tổng chưởng lý Eric Holder phát biểu gần đây khi ông công bố sẽ cải cách lớn hệ thống tư pháp. Những nhà hoạt động như bà Turner thì cho rằng, như thế chưa đủ. ACLU muốn tạo áp lực để Quốc hội bãi bỏ những đạo luật gây tranh cãi và kiến nghị lên Tổng thống Obama. Họ cũng kêu gọi các thẩm phán khi tuyên án cần chính xác, nhân văn hơn, tránh thái độ cực đoan. 

Ricky Minor, Sharanda  Jones hay rất nhiều trường hợp khác đều không được ân xá. Với họ hy vọng manh mong để thay đổi số phận chỉ có thể là sự can thiệp của Tổng thống Obama, vì theo luật pháp Mỹ, Thống đốc bang là người có quyền hành cao nhất trong quyết định các bản án cấp bang.

Bà Judith Minor và chồng đang chạy đua với thời gian. Con trai họ đang ở trong tù nhưng vẫn tiếp tục học tập để chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Khi họ đến thăm, người con thổ lộ mơ ước có ngày được về nhà, đi dạo với con chó của mình. “Nó mong mỏi có ngày được tự do khi  chúng tôi vẫn còn sống. Đó cũng là hy vọng duy nhất của chúng tôi”, bà Judith nói.