Tàn đời chỉ vì... rượu bia

ANTĐ - Gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra một số vụ án mạng, mà nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát ngoài xã hội. Do bị “ma men” điều khiển, những người trong cuộc đã dùng vũ lực để kết thúc mâu thuẫn.

CAH Mê Linh đấu tranh với đối tượng gây án mạng sau khi sử dụng rượu

Bi kịch đau lòng 

Đầu tháng 10-2013, tại bãi trông xe ôtô nằm trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân (Hà Nội), do mâu thuẫn trong cuộc bia rượu, Nguyễn Thanh Tùng, SN 1991, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, đã cầm điếu cày đập vào gáy anh Lê Văn Thắng, ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, gây tử vong. 

Vụ án chủ thầu đánh chết thợ xây ở xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng có những tình tiết tương tự. Kẻ thủ ác sau khi ngấm men rượu, đã dùng điếu cày đánh chết người giúp việc. Nguyễn Khắc Hải, ở xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh (Hà Nội) làm nghề chủ thầu xây dựng. Theo Đại úy Nguyễn Bá Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội CSHS - CAH Mê Linh cho biết, trong lúc say rượu, Hải đã dùng điếu cày vụt nhiều nhát lên đầu anh Tơ Văn Quang, là người làm thuê cách đó ít phút còn là bạn cùng mâm rượu với Hải. Anh Quang đã tắt thở trên đường tới bệnh viện cấp cứu. Kẻ thủ ác đã bỏ trốn và được CAH Mê Linh vận động đầu thú. Hải khai nhận tối hôm xảy ra vụ án, anh Quang cứ nằng nặc đòi Hải số tiền công lát nền cho một hộ dân ở xã Hoàng Kim. Vì lúc đó Hải đã ngà ngà say rượu, nên bảo anh Quang ngủ đi rồi mai tính toán cho tỉnh táo.

Cũng vì lý do đó mà nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người và anh Quang đã bị Hải dùng điếu cày nện nhiều nhát vào đầu gây chấn thương sọ não nặng, rồi tử vong. Trước đó gần 1 tháng, cũng tại huyện Mê Linh đã xảy ra vụ án mạng thương tâm. Chị Lê Thị Bền, ở thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh đã bị em chồng là Lê Văn Xuân, ở cùng thị trấn sát hại bằng 1 nhát dao vào ngực trái. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ án bắt nguồn từ việc gia đình chị Bền vay tiền của Xuân, chưa có để thanh toán. Tối 18-9-2013, sau khi rời khỏi bữa cơm rượu ở nhà vợ, Xuân cầm dao chọc tiết lợn đến nhà anh ruột đòi tiền dẫn đến vụ án mạng. Trong cơn say, Xuân đã dùng dao đâm chết chị dâu và đâm trọng thương anh ruột là Lê Văn Sang. 

Nâng cao ý thức của người dân

Theo Trung tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án 2, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, sau khi xảy ra những vụ án có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng bia, rượu, đa số các đối tượng gây án đều tỏ ra hối hận vì đã không kiềm chế được bản thân, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài những vụ việc nêu trên, tình trạng trai làng tụ tập quán xá uống rượu, bia rồi dẫn đến mâu thuẫn đâm chém nhau, gây mất an ninh trật tự vẫn diễn ra tại một số huyện ngoại thành. Khi hơi men ngấm vào cơ thể, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh làm con người mất khả năng kiểm soát hành vi dễ rơi vào trạng thái tâm lý bị kích động mạnh. Người uống rượu, bia nhiều dẫn đến tình trạng say xỉn, nếu thần kinh yếu còn gặp những ảo giác gây ra hậu quả khôn lường. 

Một số chuyên gia tâm lý đồng tình với nhận xét của Trung tá Cao Văn Thái và cho rằng, biểu hiện bệnh lý dễ nhận thấy nhất ở người sử dụng nhiều rượu bia là trạng thái tâm lý bị kích động mạnh, dẫn đến những hành động bạo lực thể hiện qua lời nói, cử chỉ thích đập phá, chửi bới và tấn công người khác vô cớ. Người sử dụng bia, rượu khi gặp một tác động nào đó từ bên ngoài cũng có thể bùng phát thành cao trào, dẫn đến những hành vi mất kiểm soát. Dẫn chứng từ một số vụ án xảy ra ở huyện Mê Linh và quận Thanh Xuân cho thấy, các đối tượng trước khi gây án đều bị men rượu, bia “kích hoạt” dẫn đến bùng nổ xung đột. Bên cạnh việc sử dụng rượu bia rồi gây án, cũng có những trường hợp người bị “ma men” điều khiển đã biến thành nạn nhân của những bi kịch gia đình và xã hội. Hệ lụy từ rượu đã dẫn một người phụ nữ nông thôn hiền lành, hết mực yêu thương chồng con mắc vòng tội lỗi. Sau nhiều năm chung sống, vợ chồng chị Nguyễn Thị M, ở huyện Quốc Oai đã có với nhau 2 mặt con. Chồng chị M vốn nát rượu, hễ cứ ngấm hơi men là chửi bới, đánh đập vợ con. Nhiều lần bị chồng hành hạ, trà đạp lên nhân phẩm, chị M không chịu đựng được đã dùng kéo đâm nhiều nhát vào ngực chồng. Sau khi gây án, chị M đến cơ quan công an đầu thú và phải nhận mức án 7 năm tù về tội giết người. 

Bi kịch từ rượu, bia luôn thường trực trong xã hội và để kiểm soát được vấn đề này, trước hết cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật từ mọi người dân. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến tác hại của rượu bia, để không trở thành nạn nhân của “ma men”. Cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều cuộc liên hoan, tổng kết, tụ tập ăn uống và mùa cưới, lễ hội, nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao nên hệ lụy cũng tăng theo. Do vậy, mỗi người cần tự nhận thấy việc sử dụng rượu bia nên chừng mực, phù hợp với sức khỏe, để tránh những hậu quả xấu xảy ra ngoài ý muốn.