Tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông

ANTD.VN - An ninh luôn là chủ đề chính tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi tình hình phức tạp và căng thẳng trên Biển Đông thu hút sự chú ý của các nước tham gia ARF lần thứ 26 vừa diễn ra tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan với nhiều phát biểu chia sẻ quan điểm của Việt Nam.

Tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên Biển Đông ảnh 1Sự thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị trong các phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về vấn đề Biển Đông nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)

Là cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực nhằm xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa, lại với sự tham gia đông đảo của Ngoại trưởng 27 nước thành viên, nên ARF 26 trao đổi rất nhiều vấn đề, từ những thách thức an ninh đang nổi lên như khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh an toàn hạt nhân, an ninh mạng, đến thiên tai thảm hoạ, biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, Biển Đông luôn là nội dung được quan tâm đặc biệt và ARF 26 không phải là ngoại lệ. Những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đã làm “nóng” diễn đàn lần này, thu hút sự quan tâm của các nước thành viên ARF.

Trước hết, hầu hết các nước đều chia sẻ quan ngại sâu sắc của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông. Trái với phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng các nước ngoài khu vực đang “cố tình thổi phồng những khác biệt hay tranh chấp từ quá khứ” trên Biển Đông, đại diện nhiều nước thành viên ARF bày tỏ quan ngại trước tình hình diễn biến phức tạp tại Biển Đông với những “sự cố nghiêm trọng” xảy ra trong thời gian gần đây.

Sự xuất hiện của cụm từ “sự cố nghiêm trọng” trong các phát biểu cũng như văn bản tại các hội nghị của ASEAN lần này cho thấy nhận thức chung về “mức độ căng thẳng trong khu vực đã tăng lên”, đúng như phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại diễn đàn rằng, vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

Sự thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị trong các phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước. Cũng như Việt Nam, các nước tham gia diễn đàn đều nêu bật tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng.

Đặc biệt, quan điểm của Việt Nam đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và duy trì môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất; trong quá trình đàm phán, các bên tranh chấp phải kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, được nhắc lại trong phát biểu của nhiều nước.

Trong bối cảnh phức tạp của những tranh chấp trên Biển Đông cùng những ràng buộc lợi ích giữa các nước, dù không phải không có những động thái ngăn cản hoặc gây khó dễ, vấn đề Biển Đông vẫn được bàn thảo đúng mức tại ARF 26. Những phân tích, nhận định, đánh giá về tình hình Biển Đông cũng như các giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được đưa ra tại ARF lần này, trong đó có của Việt Nam, sẽ tạo cơ sở vạch ra hướng đi giúp giải quyết một trong những “điểm nóng” phức tạp nhất trên thế giới.

“Các nước thúc đẩy nền an ninh bền vững trong khu vực cần dựa trên luật pháp quốc tế, cùng các quy tắc, chuẩn mực của khu vực và hợp tác cùng có lợi. Nhiều nước thì nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, đồng thời bày tỏ sự không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”.

Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai