Tầm nhìn vẫn bị… vướng

ANTĐ - Theo nhận định của Bộ Công Thương, qua mười năm phát triển và quản lý chợ ở các đô thị lớn, nhiều chợ hoạt động không hiệu quả, nhất là mô hình trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống. Đây là những công trình xã hội hóa vốn do các doanh nghiệp đầu tư nên họ phải tìm cách thu hồi vốn, vì vậy, các hộ kinh doanh khi vào các trung tâm thương mại phải trả phí cao hơn chợ cũ. Sau khi đưa vào sử dụng, rơi vào tình cảnh vắng người mua, ế ẩm và các hộ kinh doanh đòi trả lại mặt bằng.

Công ty Savills Việt Nam, chuyên nghiên cứu và điều tra về bất động sản, cho biết, trong quý III-2013 sẽ có 4 trung tâm thương mại, siêu thị phải đóng cửa với thông báo rất “kêu” để tái cấu trúc, nâng cấp hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Thực ra nguyên nhân là không thu hút được khách hàng mua sắm nhiều mặt hàng cao cấp, xa xỉ, trong khi hầu hết người dân chỉ có nhu cầu “đi chợ” phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Sức mua yếu, doanh thu không đủ, tiểu thương chỉ cầm cự được một thời gian rồi đóng cửa.

Cùng chung số phận với các trung tâm “hoành tráng” này, 4 siêu thị điện máy tại các quận đông dân ở Hà Nội cũng lần lượt đóng cửa. Khi kinh tế tăng trưởng, trung tâm thương mại được kỳ vọng là “con gà đẻ trứng vàng”. Nhiều chủ đầu tư dốc vốn xây dựng các trung tâm diện tích hàng chục nghìn mét vuông, điểm mua sắm kết hợp giải trí, nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, đã phải đóng cửa vì ế ẩm. Nhiều khi chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ.

Nhiều trung tâm thương mại loay hoay thay đổi chiến lược kinh doanh như “bán cái” các gian hàng cho các nhà đầu tư thứ cấp, song cũng không thành công vì đôi bên lại mâu thuẫn về phí quản lý, mức giá thuê và nhiều chi phí khác. Cuối cùng, nhiều quầy hàng hiệu thay nhau rút lui, hàng nghìn mét vuông trong tổ hợp kiến trúc cao cấp bị bỏ không. Điển hình cho tình cảnh “chợ chiều” trong các trung tâm thương mại ở Hà Nội phải hoãn vô thời hạn là dự án Ciputra Hanoi Mall, diện tích thiết kế lớn nhất Thủ đô tới 130.000m2. Khởi công từ cuối năm 2010, đến nay vẫn “đắp chiếu”.

Ngay cả Tràng Tiền Plaza từng được coi là sang trọng nhất Hà Nội, đến nay phần lớn các gian hàng giảm giá tới 50% mà vẫn vắng tanh. Ở trung tâm mua sắm lớn nhất cả nước, TP.HCM tình hình cũng ảm đạm không kém. Tỷ lệ trống chỗ của các trung tâm thương mại ở mức 30-40%, giá thuê và sảnh bán lẻ đều giảm mạnh, hàng chục gian hàng đóng cửa, doanh thu sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh này, Hà Nội đã quyết định hủy 2 dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống, một loạt dự án chậm tiến độ sẽ xem xét thu hồi.

Nguyên nhân các trung tâm thương mại, siêu thị tiêu điều, suy sụp được lý giải là do kinh tế suy giảm, người dân “buộc bụng”, sức mua giảm mạnh. Song mô hình trung tâm thương mại là không phù hợp với mức thu thập thấp của số đông dân cư, nó chỉ phục vụ cho một thiểu số. Một sự lãng phí rất lớn về tiền của, quỹ đất, trong khi các chợ cóc, chợ tạm không thể dẹp bỏ. Rõ ràng, tầm nhìn quy hoạch, phát triển dịch vụ phục vụ người dân vẫn bị… vướng.