Tầm nhìn và trách nhiệm

ANTĐ - Hạ tầng giao thông Hà Nội được đầu tư bài bản và đồng bộ nhưng không sao theo kịp tốc độ gia tăng số phương tiện giao thông cá nhân. Vì thế, nếu không hạn chế xe cá nhân, dù có đầu tư thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng, đường phố Hà Nội tắc vẫn hoàn tắc.

Những năm qua, thành phố luôn đặc biệt quan tâm tới chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Tháng 12-2015, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí 2.167 tỷ đồng.

Thế nhưng, chuyện đi lại ở Thủ đô Hà Nội chưa bao giờ hết nóng. Ở bất kỳ cuộc họp nào của thành phố, đánh giá thường trực vẫn luôn là “tình hình ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp”. Không cần dẫn ra những số liệu thống kê, những ngày này, chỉ cần lưu thông trên các tuyến đường vành đai, đường trục xuyên tâm của thành phố, chúng ta có thể thấy rõ sức ép vô cùng lớn lên hệ thống giao thông Thủ đô.

Có nhiều “thủ phạm” gây ùn tắc nhưng ở Hà Nội, sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện giao thông cá nhân luôn là lý do được nêu trước nhất. Thực tế, không một đô thị văn minh, hiện đại nào trên thế giới lại dựa vào giao thông xe cá nhân là chủ yếu như ở Việt Nam. Vì thế, hạn chế xe cá nhân là việc trước sau cũng phải làm.

Với tầm nhìn và trách nhiệm của mình, thành phố Hà Nội từng nhiều lần đề cập vấn đề hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, có lẽ vì đây là vấn đề đặc biệt phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới nhiều cấp, ngành nên tới nay vẫn chưa có phương án nào khả thi được trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. 

Nhiều đô thị lớn như Bắc Kinh, Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore hay Yangon đã hạn chế được xe cá nhân, vậy tại sao Hà Nội, TP.HCM lại chưa làm được? Là đơn vị tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này, trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT. Hà Nội hay TP.HCM sẽ không thể giải được bài toán khó này nếu Bộ GTVT đứng ngoài cuộc. 

Dù là chủ trương đúng nhưng việc hạn chế xe cá nhân cần có sự chuẩn bị kỹ càng, nhất là về pháp lý, với lộ trình rõ ràng và dài hạn. Một mốc thời gian cụ  thể 5, 10 hay 15 năm... sẽ giúp người dân tự điều chỉnh hành vi, dần thích nghi, đồng thời cũng tạo điều kiện, môi trường và đặc biệt là quỹ thời gian để thu hút vốn đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng. Việc này đòi hỏi nỗ lực chung của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Tất nhiên, Hà Nội không chỉ chống ùn tắc bằng giải pháp hạn chế xe cá nhân. Cùng với hạn chế “đầu vào” phương tiện, thành phố vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho kết cấu hạ tầng giao thông. Hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt và đặc biệt là đường sắt đô thị sẽ được đẩy mạnh. Ngoài ra, giải pháp công nghệ, xây dựng hệ thống giao thông thông minh cũng được thành phố tận dụng tối đa trong điều hành, quản lý phương tiện... Với những giải pháp đồng bộ như thế, giao thông Hà Nội sẽ dần thoát khỏi quy luật “không vội được đâu” trong những năm tới.