Tâm lý thích nắm giữ tiền mặt khiến giá vàng dễ bị tổn thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển vọng kinh tế Mỹ và thế giới trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức khiến tâm lý lo ngại bao trùm thị trường, nhiều người chuyển sang nắm giữ tiền mặt và do đó vàng trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Trong tuần trước giá vàng thế giới biến động khá mạnh khi có những phiên tăng đầu tuần nhưng lại giảm sâu vào cuối tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 18 USD/ounce, tương đương giảm gần 1%, còn 1.829,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 cũng mất thêm 21,5 USD/ounce, tương đương giảm 1,2%, còn 1.829,9 USD/ounce.

Tính chung tuần, kim loại quý này đã giảm khoảng 0,3%. Sang đến phiên đầu tuần, diễn biến giá vàng vẫn chưa thấy triển vọng sáng sủa, giá vàng tại châu Á tiếp tục giảm nhẹ và đang giao dịch trên mức 1.827 USD/ounce.

Đầu tuần, giá vàng vẫn chưa có triển vọng sáng sủa

Đầu tuần, giá vàng vẫn chưa có triển vọng sáng sủa

Trong nước, giá vàng thiếu liên thông với thị trường thế giới khi chỉ tăng giảm trong phạm vi hẹp. Tính trong cả tuần trước, kim loại quý màu vàng thậm chí còn tăng khoảng 300 nghìn đồng/lượng, trái ngược với diễn biến thế giới.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, các doanh nghiệp trong nước không điều chỉnh nhiều mức giá niêm yết. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch mua vào – bán ra tại 55,85 – 56,40 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 55,85 – 56,42 triệu đồng/lượng (Hà Nội). So với cuối tuần trước, thương hiệu vàng quốc gia chỉ tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào.

Trên thị trường tự do, giá mua vào – bán ra vàng SJC phổ biến quanh 55,80 – 56,30 triệu đồng/lượng.

Số liệu công bố gần đây cho thấy kinh tế Mỹ đang yếu đi dưới sức ép từ làn sóng Covid-19 mới. Theo một báo cáo ra ngày thứ Sáu, doanh thu bán lẻ ở Mỹ suy giảm trong tháng 12, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp và là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn nhất đuối sức vào thời điểm cuối năm 2020, bước vào năm 2021 trong trạng thái yếu ới.

Theo các chuyên gia, đây là lý do chính khiến giới đầu tư bán mạnh cả vàng lẫn cổ phiếu để chuyển sang nắm giữ tiền mặt, đẩy mạnh xu thế tăng giá gần đây của đồng USD và gây áp lực lên vàng.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cũng là một nguyên nhân gây sức ép mất giá lên vàng, theo chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures. Từ hôm thứ Sáu tuần trước đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giữ quanh mức 1,1%, cao nhất kể từ đầu năm ngoái.

Trong khi đó, kỳ vọng gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống đắc cử Biden sẽ hỗ trợ mạnh cho giá vàng, lại chưa trở thành sự thật.

Trước hết, ông Biden cần nhậm chức và đưa kế hoạch này thông qua ở Hạ viện và Thượng viện, trong khi Quốc hội Mỹ lại đang “bận rộn” với việc luận tội ông Trump.

Tuần này, hai sự kiện là lễ nhậm chức của ông Biden và cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump sẽ là tâm điểm chú ý.

Ngoài ra, thị trường sẽ dõi theo cuộc họp chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).