Tâm lý học sinh biến chuyển rất nhiều

(ANTĐ) - Sau một loạt hiện tượng bạo lực trong học sinh qua những video clip nữ sinh đánh nhau, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) đã trao đổi về vấn đề tâm sinh lý cũng như công tác giáo dục đạo đức học sinh hiện nay.

Tâm lý học sinh biến chuyển rất nhiều

(ANTĐ) - Sau một loạt hiện tượng bạo lực trong học sinh qua những video clip nữ sinh đánh nhau, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) đã trao đổi về vấn đề tâm sinh lý cũng như công tác giáo dục đạo đức học sinh hiện nay.

- PV: Sau khi xem những thông tin liên quan đến vụ nữ sinh đánh “hội đồng”, Thứ trưởng có suy nghĩ gì?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi rất bất ngờ. Hiện tượng học sinh gây gổ, đánh nhau trong và ngoài trường học lâu nay không hiếm, nhưng còn đánh nhau theo dạng “băng nhóm”, nhất là các học sinh nữ thì là điều rất đáng phải suy nghĩ. Theo tôi, tâm lý học sinh hiện nay khác biệt rất nhiều. Các em có thể tiếp cận với thông tin rộng rãi nên cũng chịu ảnh hưởng tốt lẫn xấu từ đó. Học sinh chưa hiểu đầy đủ pháp luật, không đánh giá đúng được tính chất sự việc cộng với tâm lý chưa ổn định của lứa tuổi nên dễ có những hành động bộc phát dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

- PV: Nhiều người cho rằng ngành giáo dục chú trọng đến công tác giáo viên chủ nhiệm chưa đầy đủ nên khó có thể sát sao nắm bắt tâm lý học sinh?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Một trong những thay đổi gần đây của ngành là tạo ra môi trường thân thiện trong trường học. Chúng tôi cũng nhận thấy, lâu nay mới chỉ chú trọng nhiều vào việc khen thưởng giáo viên dạy giỏi, có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các môn học mà còn chưa động viên đầy đủ tới những tấm gương giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên quan tâm, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Việc này đang được khắc phục. Ngoài ra, ngay cả trong việc chú trọng đến chất lượng văn hóa hiện nay cũng đã có thay đổi khi yêu cầu các trường không chỉ ưu tiên đào tạo học sinh giỏi mà còn phải tích cực quan tâm, bồi dưỡng học sinh yếu kém…

- PV: Những vụ việc nói trên còn cảnh báo về tình trạng đạo đức học sinh. Vậy vai trò giáo dục của nhà trường đã đầy đủ chưa?

- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đến thời điểm hiện nay, giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường gặp không ít khó khăn. Rõ ràng ngành giáo dục không thể một mình, độc lập mà giảng dạy đạo đức cho học sinh khi các em chịu nhiều tác động của gia đình, xã hội. Cũng phải thừa nhận, đổi mới phương pháp giáo dục, nội dung giảng dạy môn học đạo đức, giáo dục công dân chưa thực sự thu hút được học sinh.

Do vậy, Bộ GD-ĐT vẫn đang tích cực tăng cường giáo dục đạo đức học sinh về ý thức công dân, chấp hành pháp luật, kết hợp với rèn luyện kỹ năng sống, ứng xử nhóm, giải quyết xung đột… Chúng ta cũng phải thấy, nhà trường có thế mạnh trong giáo dục đạo đức là bổ sung kiến thức, tác động vào nhận thức qua đó tác động đến tình cảm, hành vi của học sinh. Tuy nhiên gia đình cũng có những thế mạnh nhà trường không có được như sự sát sao, chi tiết, gắn bó tình cảm trong quá trình hình thành, phát triển tính cách các em. Do vậy, vai trò của gia đình là rất quan trọng.

Duy Anh

(Thực hiện)