Xây dựng trạm xử lý nước thải của bệnh viện đa khoa Đống Đa:

Tâm không sáng cản dự án triển khai

ANTĐ - Ba lớp học của cơ sở 2, trường mẫu giáo Quang Trung cứ mỗi trận mưa to, ngập đường, cô trò lại tìm cách đưa nhau đi “sơ tán”; khu dân cư số 2, sát bệnh viện đa khoa Đống Đa, từ năm 2009 đến nay có chừng 20 người mắc và qua đời vì bệnh hiểm nghèo… Những thông tin nhói lòng ấy chúng tôi ghi nhận được trong quá trình tiếp xúc với người dân và cán bộ phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Nằm giữa khu dân cư, trạm xử lý nước thải đối với bệnh viện Đống Đa là hết sức cấp thiết


Cám cảnh người trong cuộc

“Dù chưa có những cứ liệu xác đáng để khẳng định nhiều người dân ở cụm dân cư số 2 mắc bệnh là do nguyên nhân nào, nhưng chúng tôi tin rằng, một trong những yếu tố đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn nước của bà con, chính là do nước thải chưa được xử lý từ bệnh viện đa khoa Đống Đa”, bác Nguyễn Đình Êm, nhà giáo nghỉ hưu, hiện trú ở tổ 19B phường Quang Trung búc xúc.

Bác Êm tham gia công tác Hội đồng nhân dân phường và nhiều lần tiếp xúc với cử tri, đặc biệt ở tổ 1, tổ 2 phường Quang Trung, nghe bà con phản ánh và rất đồng tình, mong muốn chủ trương của Nhà nước xây trạm xử lý nước thải ở bệnh viện Đống Đa sớm thành hiện thực. Bác Êm nhìn nhận: “Trước đây, bệnh viện Đống Đa chỉ là bệnh xá, nơi thăm khám chữa bệnh thông thường. Nay đã là bệnh viện đa khoa cấp II, lại điều trị cả bệnh nhân bị bệnh lây nhiễm, người mắc HIV/AIDS; quy mô tăng, tính chất điều trị bệnh cũng tăng, vậy mà không có hệ thống xử lý, lọc nước - chất thải trước khi đổ ra ngoài thì thực sự là mối họa với không chỉ người dân xung quanh bệnh viện”.

Đối diện cổng bệnh viện đa khoa Đống Đa có 3 lớp học thuộc cơ sở 2 của trường mẫu giáo Quang Trung, với trên dưới 70 cháu nhỏ. Cơ sở vật chất và môi trường sư phạm chưa được như mong muốn, song điều mà cô giáo và các bậc phụ huynh có con em theo học tại đây canh cánh nhất là mỗi khi mưa to, đường ngập. Nước cống dềnh trên lối đi, ngấp nghé khuôn viên lớp học. “Hệ thống cống phục vụ cả việc tiêu thoát nước thải từ bệnh viện Đống Đa, người lớn dính phải nước đó còn lo ngay ngáy nữa là con trẻ. Thế nên nhà trường đều khuyến cáo phụ huynh nếu mưa to, đường ngập nên cho các con nghỉ ở nhà. Trường hợp bất đắc dĩ, nhà trường chỉ còn biết đóng chặt cửa và đưa các con lên chỗ cao nhất ngồi chơi”, một cô giáo trường mẫu giáo Quang Trung cho biết.

Tiến sỹ Lê Hưng - Giám đốc bệnh viện đa khoa Đống Đa đồng cảm: “Đối với bất cứ cơ sở y tế nào, nhất là các bệnh viện, công tác xử lý chất thải có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nếu không làm tốt công tác này, chính bệnh viện sẽ có nguy cơ phát tán bệnh cao. Nhiều năm qua, phía bệnh viện đã cố gắng tối đa rồi, nhưng cũng chỉ đảm bảo được việc xử lý chất thải rắn. Còn chất thải lỏng, nếu không có trạm xử lý, sẽ thực sự khó khăn”. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện đa khoa Đống Đa có từ 600 - 1.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú; chưa kể khoảng 300 bệnh nhân nội trú và người nhà đến chăm nom. Đặc thù của bệnh viện Đống Đa còn là nơi tiếp nhận người bệnh điều trị nội - ngoại trú HIV/AIDS. Chính vì vậy, dù luôn có ý thức, nỗ lực tạo dựng, giữ gìn môi trường trong lành cho người bệnh, y bác sỹ và nhân dân xung quanh, nhưng nếu không xử lý tốt được nguồn chất thải, nước thải, ý nguyện ấy của bệnh viện khó trọn vẹn được. Và một thực tế hiện nay như Giám đốc Lê Hưng thông tin: “Đa phần chất thải lỏng mới được xử lý bằng hóa chất, hoặc chưa được xử lý, nhưng vẫn buộc phải đổ ra môi trường”.

Cần làm rõ động cơ cản trở dự án

Thật bất ngờ khi biết rằng, việc xây dựng trạm xử lý nước thải cho bệnh viện đa khoa Đống Đa lại bị nhà thờ Thái Hà cản trở. Theo tìm hiểu của nhóm PV ANTĐ, việc lắp bảng điện tử và panô trong khuôn viên nhà thờ Thái Hà nhằm kích động giáo dân, phản đối dự án, chỉ là một trong nhiều hành vi vi phạm, thiếu tinh thần hợp tác, thiếu ý thức công dân.

Ngày 7-10-2011, UBND phường Quang Trung gửi giấy mời đại diện nhà thờ Thái Hà ra trụ sở phường để cùng chứng kiến thành phố, quận công bố tiến độ triển khai dự án xây trạm xử lý nước thải cho bệnh viện Đống Đa. Thế nhưng, vị đại diện nhà thờ không có mặt, mà có khoảng 70 người tự xưng là giáo dân kéo đến. Bác Nguyễn Ngọc Quyền - Bí thư Chi bộ cụm 10 phường Quang Trung nhớ lại: “Hôm đó, Ban tổ chức đã cho mời khoảng 10 người trong nhóm người đó lên hội trường. Nhưng họ đã công khai lăng mạ, nói xấu chính quyền, phản đối dự án. Dưới sân ủy ban, số người còn lại gây náo loạn cả ủy ban. Trước tình huống đó, Ban Tổ chức đã yêu cầu số người trên rời khỏi trụ sở cơ quan công quyền”.

Rõ ràng, những ý đồ, động thái mà phía nhà thờ Thái Hà thực hiện trong thời gian gần đây không vì mục đích, tâm nguyện chung của cả cộng đồng. Việc cản trở dự án xây dựng trạm xử lý nước thải bệnh viện đa khoa Đống Đa có lẽ chỉ là cái cớ cho những ý đồ xấu xa, những toan tính gây mất ổn định ANTT. Chúng tôi xin dẫn lời bác Nguyễn Văn Tâm - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 2 để kết thúc bài viết này: “Đề nghị nhà thờ Thái Hà dỡ bỏ ngay bảng điện tử, panô trái phép, có nội dung xấu, đồng thời dừng ngay việc lôi kéo, kích động giáo dân kéo đến cơ quan công quyền, tụ tập trái phép nơi công cộng. Rất mong nhà nước triển khai ngay dự án xây trạm xử lý nước thải cho bệnh viện Đống Đa, đáp ứng mong mỏi của đại bộ phận người dân”.

Giáo dân Nguyễn Văn Cự, tổ 11 phường Quang Trung: “Nguyện vọng chính đáng, tha thiết của người dân”

Tâm không sáng cản dự án triển khai ảnh 2

Tôi năm nay hơn 60 tuổi và từng ấy thời gian sinh ra, lớn lên ở địa bàn phường Quang Trung, quận Đống Đa. Như đại bộ phận công dân phường, tôi nhận thấy rất cần thiết phải xây dựng trạm xử lý nước thải trong khuôn viên bệnh viện đa khoa Đống Đa. Bởi ai cũng biết, nguồn chất thải, nước thải bệnh viện luôn chứa nhiều vi khuẩn, chất gây bệnh. Một minh chứng nhỏ tôi biết được, là cái ao trong bệnh viện bao nhiêu năm qua, màu nước luôn đục ngầu. Các loại cá thả xuống, chỉ có giống rô phi là tồn tại được. Dự án xây dựng trạm xử lý nước thải cho bệnh viện rất hợp lòng dân, thỏa nguyện vọng tha thiết, chính đáng của dân, cần sớm được triển khai.