“Tầm gửi” trong hôn nhân

ANTĐ - Ỷ lại vào hôn nhân, lệ thuộc vào chồng, nhiều phụ nữ tự trói chặt cuộc đời mình vào những đau khổ, phiền muộn. Họ không chỉ giam chân mình trong xó bếp mà còn kìm hãm sự tươi mới, vui vẻ của gia đình. 

Lệ thuộc

Bố mẹ Huyền (Long Biên) có tới 7 người con. 6 anh chị đều ở quê làm ruộng, buôn bán nhì nhằng. Chỉ có Huyền được bố mẹ cưng chiều, cố lo cho chị được học hành nên người. Đỗ ĐH ngành Báo chí, mục tiêu lớn nhất Huyền theo đuổi là chọn cho được một tấm chồng khá giả để được ở lại thành phố. Cũng chính vì mải chăm lo nhan sắc và “ngắm nghía” các anh nên khi tốt nghiệp ĐH, kỹ năng viết báo của Huyền rất kém, chẳng xin việc được ở đâu. Trong lần đến thăm Huyền ốm, nhìn cô nằm đơn độc trong gian nhà ẩm thấp, một người bạn đã có tình cảm với cô. Dù không yêu, dù biết người đàn ông đó chỉ thương hại mình, Huyền cũng vẫn mừng như vớ được vàng.

Lấy chồng, sinh được cậu con trai, Huyền đã “yên tâm”. Không làm được báo chí, cô được chồng xin cho làm văn phòng. Được hơn một năm thì cô buộc phải nghỉ việc vì năng lực kém. Sống ở nhà buồn, cô đẻ thêm đứa con nữa. Bây giờ khi chồng tung tẩy nay đây mai đó thì Huyền chỉ giam chân trong nhà, trông con. Cô nấu ăn rất dở nên mẹ chồng không khiến. Mối quan tâm duy nhất của Huyền là gọi điện xem chồng ở đâu, làm gì, vui hay buồn, ăn gì, uống gì để cô mua. Lúc đầu, chồng Huyền không để ý nên trả lời ừ ào. Sau này, anh phát cáu về các cuộc gọi chỉ để hỏi: “Anh ăn rau cải hay canh bí”, “Anh ăn trưa mấy bát, với ai”… Cô dành nhiều thời gian loanh quanh ở cơ quan chồng, xem anh đi ăn với ai, chơi với ai, khi chồng đang gọi điện thoại, cô sẵn sàng giật lấy để nghe xem đầu dây bên kia là ai… Nếu chồng cáu thì Huyền lại cho rằng anh có người đàn bà khác, đã chán vợ.

Chị Huệ (Ngọc Khánh) lấy được người chồng rất chu đáo. Anh là trẻ mồ côi nên rất quý trọng gia đình, việc nhà, anh đều thương vợ “bé nhỏ” nên làm thay cả. Chị Huệ cứ sống như người trong mộng, chỉ biết đi dạy rồi về nhà là đã được chồng đón tiếp như khách quý. Nhưng rồi anh bị tai nạn, gãy chân phải nằm bệnh viện dài ngày. Mọi người thấy chị tái xanh tái xám, cứ ngồi một chỗ khóc, chồng chẳng chăm, con chẳng ngó, nhà cửa lộn xộn. Suốt ngày chị chỉ lẩm bẩm: “Giá như có anh ấy”, “Nếu chồng em làm…”.

Độc lập để hạnh phúc

Không ít phụ nữ lấy hôn nhân làm mục đích duy nhất của cuộc đời mình. Như thể, cả đời họ sinh ra, học hành, chăm sóc nhan sắc chỉ đợi để kén chọn và lấy được một ông chồng xứng đáng. Lấy chồng, sinh con xong thì coi chồng con là tất cả lẽ sống, vốn sống của mình. Nếu chồng kiếm được nhiều tiền, nhà cửa ổn định thì việc đi làm chỉ là “trang sức” cho vui, là cơ hội để được ăn mặc đẹp và làm sang cho chồng. Họ dành phần lớn thời gian để chăm sóc chồng con, lau dọn nhà cửa hoặc đi làm đẹp. Ngoài điều đó ra, họ không muốn nỗ lực phấn đấu, buông xuôi bản thân. Đến khi chồng con không “phát triển” như họ mong muốn thì các bà vợ lo lắng, dằn vặt. 

Lệ thuộc vào tình yêu, hôn nhân, nhiều bà vợ luôn lo lắng chồng có bồ, ngoại tình sẽ bỏ rơi mình nên tìm mọi cách để theo dõi, quản lý chồng.  Họ sống trong tâm trạng bất an đến mụ mẫm cả người, đồng thời khiến chồng “phát điên” vì sự quấy rối, kiểm soát.

Đến một ngày, chị Huyền cũng phải đối mặt với sự phản bội của chồng. Nhưng sự đau khổ của chị không nhận được sự cảm thông. Bạn bè, người thân biết chuyện đều tặc lưỡi: “Sống như cậu, chồng không chán mới lạ”. Cơ quan chồng là công ty tư nhân, mọi người chỉ “an ủi” chứ không muốn can thiệp vào đời tư của nhau. Chị khóc bù lu bù loa với gia đình chồng. Đáp trả, chồng chị đi thuê nhà ở, hàng tháng gửi tiền về cho chị và con sinh sống. Không tiền, không nghề nghiệp, không có năng lực gì, chị Huyền cũng chẳng dám ly hôn. Điều đau khổ nhất, là người chồng nói thẳng với chị: “Sự kiểm soát một cách ấu trĩ của cô khiến tôi thấy ngạt thở, mệt mỏi. Cô cũng không thể chia sẻ với tôi điều gì ngoài chuyện hỏi tôi ăn gì làm tôi thấy cô đơn trong chính gia đình mình”.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà cho biết: Để tránh biến mình thành nô lệ của hôn nhân, bạn cần tôn trọng nguyên tắc sau: 
1. Tự chủ về kinh tế. Lệ thuộc kinh tế sẽ kéo theo những lệ thuộc tâm lý. Vì thế, phụ nữ nên độc lập kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào. 
2. Không cô lập mình. Khi yêu hay lấy chồng đừng cắt đứt các mối quan hệ với anh em, bè bạn hay đồng nghiệp. Những mối quan hệ đó nâng đỡ ta rất nhiều trong cuộc sống, cân bằng cảm xúc, tinh thần khi chúng ta đau khổ. 
3. Giữ cá tính. Đừng vì chiều chuộng chồng con mà đánh mất đi cá tính của mình. Điều đó làm nên sự hấp dẫn và sự tôn trọng của người khác đối với bạn.