Tạm dừng phê duyệt các trụ sở nghìn tỷ

ANTĐ - Ngày 17-11, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ đã đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH. 

Tạm dừng phê duyệt các trụ sở nghìn tỷ  ảnh 1Mô hình trung tâm hành chính 4.000 tỷ đồng của tỉnh Khánh Hòa

Năm 2015, tinh giản trên 3.300 biên chế

Trả lời câu hỏi của ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) liên quan đến năng suất lao động của Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì đúng là năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Song trong giai đoạn 2005 -2014, năng suất lao động của ta tăng bình quân 3,75%/ năm, đây là tín hiệu đáng mừng. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các nhóm giải pháp lớn mà Chính phủ đã chỉ đạo để khắc phục, trong đó nhấn mạnh đến việc phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, nhất là cho nông dân. Ngoài ra, cần phải quan tâm đúng mức đến mức sống và điều kiện làm việc tối thiểu cho người lao động. 

Với câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đúng là còn khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tế. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn nhiều phiền hà cho dân và doanh nghiệp”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó, thực hiện tốt hơn nữa việc tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy hành chính, sự nghiệp Nhà nước.

Phó Thủ tướng dẫn chứng: “Năm 2015, đã có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giản biên chế  với số lượng trên 3.300 người, trong đó hơn 2.200 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay”. Ngoài ra, “phải đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch chi quản lý hành chính, khoán chi, khoán biên chế; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, luân chuyển cán bộ ở các lĩnh vực “nhạy cảm”, tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân với các dịch vụ hành chính công”.

Trả lời câu hỏi về tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định an toàn cho người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để hành động, qua đó đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tội phạm. Phó Thủ tướng khẳng định: “Dù còn diễn biến phức tạp song an ninh trật tự là một điểm sáng của chúng ta so với thế giới”. 

Lo lắng “cái chết từ từ”

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) bày tỏ lo lắng về “cái chết từ từ” do mất an toàn thực phẩm (ATTP) và đặt câu hỏi: “Liệu có sự chồng chéo trong quản lý ATTP giữa các bộ hay không?”. Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, công tác đảm bảo ATVSTP thời gian qua đã được các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể phối hợp thực hiện và có nhiều tiến bộ song cũng còn nhiều bất cập, chưa đạt được mong muốn của nhân dân. “Có nhiều nguyên nhân song tôi khẳng định không phải do phân công, phân nhiệm chồng chéo” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi Luật ATTP có hiệu lực, quản lý ATTP đã theo tư duy mới là quản lý theo chuỗi, từ khâu chế biến, sản xuất kinh doanh đến tiêu dùng. Luật quy định rất rõ trách nhiệm với từng bộ liên quan. Gần đây nhất, 3 Bộ (Công Thương, Y tế, NN&PTNT) đã cùng nhau ký thông tư liên tịch, trong đó có quy định chi tiết về việc mỗi vụ việc chỉ có 1 cơ quan duy nhất làm đầu mối. “Như vậy, việc phân công, phân cấp cơ bản đã ổn. Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau để làm rõ từng vụ việc cụ thể. Chúng tôi không sợ chồng chéo mà chỉ sợ để lọt” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong công tác này, cần sự vào cuộc, đồng hành quyết liệt của nhân dân, các đoàn thể, chính quyền địa phương bởi hầu hết thực phẩm được sản xuất tại hộ gia đình, địa phương. 

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc Chính phủ đã chuẩn bị gì khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, mỗi văn kiện hội nhập kinh tế quốc tế đều có sự chuẩn bị trong nhiều năm. Điều quan trọng nhất là phải tạo ra lộ trình thích hợp với các ngành hàng, sản phẩm yếu thế, bảo đảm dành thời gian cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc ĐB lo lắng  là chính đáng khi hội nhập có thể xảy ra tình trạng hàng hóa trong nước không cạnh tranh nổi dẫn đến ế ẩm, lao động trong nước thất nghiệp. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình hội nhập từ năm 1995 đến nay, khả năng ứng phó của Việt Nam có thể chấp nhận được, dù hiện nay, sức ép cạnh tranh lớn hơn và đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả hơn để ứng phó. 

Tạm dừng hoành tráng hóa công sở

Trước câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) về việc “trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng một số địa phương đã và đang có kế hoạch hoành tráng hóa công sở với kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong đề án về cải cách hành chính tổng thể, Chính phủ đã đưa ra nội dung cần quy hoạch tập trung các khu hành chính của các địa phương, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc với các dịch vụ công. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, sử dụng đất và phát triển đô thị.

Phân kỳ dự án đầu tư cũng cần phù hợp khả năng tài chính từng nơi. “Tuy vậy, thực tế gần đây, một số địa phương khi quy hoạch đã trình Chính phủ đề án xây dựng trụ sở hành chính với nguồn lực đầu tư rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị tạm dừng quy hoạch, giao Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá lại mặt được và mặt hạn chế, từ đó sẽ có văn bản chấn chỉnh để tiếp tục thực hiện chủ trương này theo hướng phù hợp với từng địa phương” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Phạm vi chất vấn rộng hơn

Tạm dừng phê duyệt các trụ sở nghìn tỷ  ảnh 2
“Điểm nhấn của các phiên chất vấn kỳ này là thời gian dành cho ĐB hỏi nhiều hơn và ĐB cũng hỏi được nhiều thành viên Chính phủ hơn. Theo tôi, đây chính là vấn đề mới làm cho chất lượng các phiên chất vấn của Quốc hội chất lượng hơn, đem lại nhiều kết quả đích thực. Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị nội dung câu hỏi chất vấn rất tâm huyết, có trách nhiệm, rõ ràng, sâu sát với thực tế của các ĐBQH. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng đã trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, đi thẳng vào nội dung. 

Kỳ chất vấn này có tính ưu việt là những thông điệp từ Chính phủ, các thành viên Chính phủ liên quan đến những vấn đề đã làm được và chưa làm được cũng được báo cáo cho cử tri cả nước biết. Tôi cho rằng, chất vấn lần này tạo thuận lợi cho người đăng đàn trả lời chất vấn và ngược lại. Phạm vi chất vấn cũng rộng hơn so với các kỳ trước”.

Hồng Tuấn (Ghi)

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Đừng để nông dân khóc bên bờ ruộng

“Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chưa làm rõ được vấn đề. Việc tổ chức thị trường thời gian qua chưa được tốt đã để lại nhiều hậu họa. Tại sao lại để tình trạng tràn lan các sản phẩm bẩn, độc hại. Từ chợ quê đến chợ tỉnh, thành phố và tại nhiều điểm người ta dễ dàng có thể mua các loại hóa chất không rõ nguồn gốc. Từ đó dẫn đến lúa lép không hạt, thịt siêu nạc do tăng trọng, cam ngâm tẩm để cả năm không hỏng...

Tại sao chúng ta mãi không ngăn chặn được việc này? Đây rõ ràng là trách nhiệm của quản lý thị trường, của Bộ Công Thương. Là “Tư lệnh” ngành, Bộ trưởng cần có kiến nghị để Quốc hội đề ra các giải pháp hữu hiệu.

Về tình trạng thương lái ăn chặn của người sản xuất,  cần có giải pháp mạnh ngăn chặn ngay hiện tượng này, chứ chỉ tổ chức lại các doanh nghiệp như Bộ trưởng nói là chưa đủ. Đừng để nông dân phải khóc bên bờ ruộng”.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu): Cần giải pháp sử dụng hiệu quả vốn vay

“Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời thẳng vào các vấn đề nóng mà cử tri quan tâm như tăng dư nợ công, quản lý tài chính, ngân sách. Điều quan trọng là cách sử dụng, quản lý nguồn tài chính công hiện nay có thật sự hiệu quả? Chất lượng việc sử dụng nguồn vốn là vấn đề trọng tâm mà Chính phủ phải tập trung xử lý. Nếu sử dụng nguồn vốn vay mà không đúng, không trúng, không hiệu quả thì chúng ta khó có khả năng trả nợ. 

Chính phủ cần rà soát, nâng cao trách nhiệm các cơ quan phân bổ, xây dựng dự án và các bộ, ngành sử dụng vốn vay lớn như Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương”.

Phú Khánh (Ghi)