Tấm bưu thiếp

ANTĐ - Bây giờ, dù máy ảnh kĩ thuật số và mạng internet đã quá phổ biến, ta vẫn có thể dễ dàng thấy những người khách nước ngoài dừng lại chọn lựa và gửi bưu thiếp ở bưu điện Bờ Hồ. Còn riêng với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng dường như chưa có thói quen gửi bưu thiếp cho nhau, vì vậy, các bưu thiếp in ra chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. 

Thì cũng chẳng sao, nếu ta biết khai thác bưu thiếp ở khía cạnh như là sản phẩm của ngành du lịch. Tuy vậy, dạo qua các hàng bày bán bưu thiếp trên phố Đinh Tiên Hoàng, Tạ Hiện, Hàng Bạc… thấy có gì đó như là… thất vọng. Thất vọng không phải tìm không ra, kiếm không thấy. Mà bởi, các hình ảnh được chọn in bưu thiếp rất đơn điệu, quá thiếu ảnh đẹp, quá thừa những hình ảnh mang tính “ngồ ngộ” về một Việt Nam lam lũ, một đất nước nông nghiệp, cùng những phương tiện vận chuyển thô sơ. Nào thì những chiếc xe ba gác chất chồng những đôi quang gánh của các bà đi chợ chuyến. Nào chiếc xe máy cà tàng chở tới 5 người. Rồi người ngồi trên xe máy cùng mấy bu gà vịt phi như bay trên đường quốc lộ…

Còn nhớ dạo trước, có một hình ảnh “đặc trưng” của Việt Nam, đã gây ra một cuộc tranh luận trên mạng xã hội ở nước ngoài. Bức ảnh ấy chụp người đàn ông đi xe máy chở nguyên một… đàn vịt. Vịt chen chúc, treo ngược trên tay lái, nghển cổ khỏi chiếc lồng sắt ở phía sau, lúc lỉu buộc cổ chân treo ngược ở hai bên sườn. Chiếc xe đang lao vun vút trên đường cái. Hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng nghìn ý kiến tranh luận. Dù có những góc nhìn khác nhau về cùng một hiện tượng, nhưng đó có phải là hình ảnh mà Việt Nam muốn quảng bá với du khách nước ngoài?

Riêng về hình ảnh Hà Nội trên bưu thiếp thì thật... lo ngại. Rất nhiều bưu thiếp với hình ảnh cũ, nhòe được in từ hồi những năm 90 của thế kỉ trước vẫn còn được “tái bản” bày bán trên phố Tràng Tiền. Muốn kiếm một bức ảnh đẹp trên bưu thiếp về hồ Gươm, hồ Tây, về Lăng Bác, về Nhà hát lớn, về Cầu Thê Húc... thật sự là không dễ.

Tôi không rõ ai, có cơ quan nào đứng ra quản lí việc in ấn, phát hành bưu thiếp của Hà Nội như một cách tiếp thị văn hóa, du lịch cho Thủ đô hay không. Nhưng rõ ràng, giữa rất nhiều ý kiến về việc ngành du lịch Hà Nội còn các vấn đề nọ kia, dịch vụ còn ít ỏi, thiếu liên kết, không đặc sắc, du khách đến còn không được hài lòng, thất vọng thì xem ra các sản phẩm du lịch của Hà Nội vẫn còn ít được quan tâm. 

Một tấm bưu thiếp nhỏ bé nhưng có ý nghĩa quảng bá cho du lịch một cách tự phát, tự lan truyền âm thầm nhưng mạnh mẽ không kém bất kì chiến dịch, lời lẽ hoa mĩ nào song lại chưa được chú ý, đầu tư kĩ lưỡng. Cũng có thể, suy nghĩ của tôi là "quan trọng hóa" vấn đề. Song, tự sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn mong một ngày nào đó, dạo qua các con phố bán đồ lưu niệm của Hà Nội, tôi không chỉ được xuýt xoa trước những tấm bưu thiếp đẹp, phải mua bằng được vài tấm để gửi cho bạn bè phương xa và thậm chí còn tự giữ cho mình vài tấm. Ngắm những tấm ảnh ấy, tôi tin, tình yêu và sự gắn bó với Hà Nội sẽ tăng lên bội phần.