Tại sao vẫn bó tay?

ANTĐ - Thực trạng miếng thịt, con cá, lá rau cho tới hộp sữa cho trẻ nhỏ… nằm trong tay quản lý của 2-3 bộ đã kéo dài khá lâu, dẫn đến chồng chéo, giẫm chân nhau về giá cả, chất lượng. Bản thân Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận tình trạng “giáp ranh” trong quản lý giá thuốc, dịch vụ y tế, chi phí, thiết bị giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Riêng về các sản phẩm sữa, đặc biệt là sữa bột ngoại gây nhiều đợt “sốt” trong những năm qua, cho thấy khá rõ 2 bộ chưa thể tìm được tiếng nói chung. 

Theo ý kiến của một số chuyên gia thị trường, quy định đăng ký giá sữa ở tất cả các khâu trên thị trường từ sản xuất, nhập khẩu đến đại lý phân phối, bán buôn, bán lẻ là bất khả thi trong thực tế. Chỉ tính riêng thị trường sữa công thức cho trẻ dưới 12 tháng tuổi hiện có khoảng 30 công ty với gần 150 nhãn hàng. Đây thực sự là con số quá lớn so với nguồn nhân lực của bộ máy quản lý Nhà nước về giá cả.

Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khó kiểm soát giá sữa là vì mới đây các doanh nghiệp sữa “thay tên đổi họ”. Theo báo cáo của 14/18 doanh nghiệp chiếm hơn 90% thị phần sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm sữa gửi Cục Quản lý giá, đến cuối tháng 8 vừa qua, hầu hết không còn sản phẩm nào có tên là sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Các doanh nghiệp giải thích lý do việc đổi tên là theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế.

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế nêu rõ, theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế, hầu hết không còn sản phẩm sữa nào thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại sở tài chính, bởi đã chuyển đổi tên gọi với tên mới “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng”. Trong khi đó, Luật Giá chỉ quy định sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá. Mối lo ngại của các chuyên gia về việc Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sữa “lách” Luật Giá không phải không có lý. Không thể vì không còn tên “sữa trẻ em” mà thoải mái tăng giá với lý do không nằm trong danh mục hàng hóa phải chịu sự khống chế giá theo quy định của Nhà nước. Phản ứng lại nhận định này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các doanh nghiệp không “lách” luật, thực ra họ đang chấp hành luật pháp. Đây chỉ là sự thay đổi tên gọi còn bản chất hàng hóa không thay đổi. Doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm kê khai giá với cơ quan chức năng. 

Hàng năm, giá sữa nhập ngoại cao bất thường, giá bán lẻ cao gấp vài lần giá nhập đã trở thành điệp khúc… bình thường. Cũng gần giống như giá thuốc chữa bệnh, công luận đã lên tiếng về chuyện chi phí hoa hồng cho đại lý, nhân viên y tế, tiếp thị và lợi nhuận đổ hết lên đầu người dân. Cơ quan quản lý không thiếu công cụ trong tay tại sao vẫn bó tay, bất lực?

Tin cùng chuyên mục