Tại sao phải tạo lối thoát hiểm trong ngôi nhà của bạn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đó là câu hỏi dành cho nhiều người dân đang sống ở những ngôi nhà lắp lồng sắt chống trộm, nhà ống và cơ sở kinh doanh kết hợp nơi ở... Chuyên gia Cảnh sát PCCC và CNCH phân tích tầm quan trọng của lối thoát nạn trong mỗi gia đình!
Công an quận Hoàn Kiếm rà soát, tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn an toàn

Công an quận Hoàn Kiếm rà soát, tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn an toàn

Yếu tố chủ quan là nguyên nhân gây cháy

Thời gian qua, đã có nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân gây cháy đã được cơ quan chức năng chỉ ra, chủ yếu do chập nguồn điện trong sinh hoạt và thắp hương, đốt nến, nhưng chủ nhà không lưu tâm...

Những vụ cháy gây tử vong nhiều người có rất nhiều yếu tố, trong đó sự chủ quan của con người thể hiện rất cụ thể trong từng vụ cháy.

Tại sao lại xảy cháy? - Đơn giản, khi chập điện có nhiều vật liệu dễ cháy như vải vóc, quần áo bằng ni lông, thùng xốp để sát hoặc đè vào ổ điện và đó sẽ là mồi bắt lửa gây cháy lan, cháy lớn và không có lối thoát nạn dẫn đến tử vong.

Chuyên gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội phân tích: “Nếu đồ dùng và các vật liệu, hàng hóa để cách xa đúng quy định thì chập điện chỉ cháy cục bộ khu vực đó, rồi sẽ tắt khi được phát hiện và dập lửa. Thiết bị an toàn phòng chập điện được lắp đặt đúng tại mỗi gia đình, cũng sẽ khó gây cháy bởi khi chập điện thiết bị sẽ ngắt điện. Nếu tuân thủ các yếu tố trên, sẽ không thể xảy ra cháy”.

Phân tích về những vụ cháy gây tử vong, Đại tá Nguyễn Trường Sơn chỉ rõ những điều cơ bản cần thực hiện, nhưng không mấy ai quan tâm. Đó là, tự tạo phương án thoát nạn cho chính gia đình mình và phải tự đặt ra câu hỏi tại sao cháy, cháy sẽ thoát đi đâu? Nếu tự trả lời được các câu hỏi đó, sẽ tự cứu được mình khi không may xảy ra cháy, nổ trong gia đình.

"Cần phải hướng dẫn cho những người thân trong gia đình những tình huống phòng ngừa cháy nổ, thoát nạn an toàn khi có cháy. Trong mỗi gia đình ít nhất cũng phải trang bị một bình cứu hoả để ở nơi dễ nhìn, dễ lấy nhất" - Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Nhà bị bịt lối thoát nạn sẽ là hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra

Nhà bị bịt lối thoát nạn sẽ là hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra

"Khi nhìn thấy đám cháy còn nhỏ xảy ra tại bếp ăn trong gia đình, nhưng muốn dập lại không có bình chữa cháy. Chạy sang nhà hàng xóm hỏi mượn bình, nhưng họ cũng không có bình chữa cháy thì khi quay về nhà đã thành biển lửa" - Chuyên gia chữa cháy ví von và nhấn mạnh mỗi gia đình cần trang bị những phương tiện thiết thực như bình cứu hoả, chuông báo cháy, cảm biến hở gas và học thuộc kỹ năng chữa cháy do lực lượng cứu hoả tuyên truyền ở khu dân cư, sẽ hạn chế cháy lan, cháy lớn.

Chiến dịch "mở lối thoát nạn"

Lối thoát nạn đối với các nhà cao tầng, chung cư, siêu thị đều phải có theo quy định. Thế nhưng, ở nhiều hộ nhà dân trong các khu dân cư, lối thoát nạn đã không có, mà bấy lâu nay còn bị chính chủ nhân bịt lại nếu đã có từ trước?!

Có nhiều cách để đảm bảo an ninh, an toàn cho chính ngôi nhà mình, nhưng vẫn có lối thoát nạn khi không may xảy ra sự cố cháy, nổ.

Mở lối thoát nạn là cắt lồng sắt chống trộm ở tầng tum và ban công của mỗi gia đình để làm thành cửa sau đó khóa lại và để chìa khoá ở nơi dễ nhìn, dễ lấy, ai trong gia đình cũng biết.

Ngoài ra, mở lối thoát nạn còn là cách sắp xếp hàng hóa ngăn nắp tại nơi kinh doanh kết hợp với nhà ở, tạo lối đi thông thoáng, không chất đồ đạc cao sát trần có đèn điện, nghiêm cấm chất hàng hóa từ tầng 1 lên tầng 2 dọc theo cầu thang bộ và đây có thể là việc làm dẫn lửa cháy lan toàn bộ ngôi nhà một cách nhanh nhất. Thực trạng này đang diễn ra ở rất nhiều gia đình và các hộ kinh doanh tại phố cổ Hà Nội.

Sự hạn chế về không gian sống của “36 phố phường” là hiểm họa của các vụ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tận dụng từng mét không gian để sinh sống, kinh doanh thì việc để hàng hóa ngăn nắp gọn gàng, có lối thoát nạn… là điều khó thực hiện, bởi phần lớn do sự chủ quan của con người.

Đánh giá thực trạng về an toàn PCCC tại khu dân cư, nhà ống, cơ sở kinh doanh kết hợp nơi ở, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại các quận trung tâm thành phố đã báo cáo Giám đốc CATP các phương án và giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP về việc tăng cường các biện pháp PCCC, CAQ Hoàn Kiếm đã chủ động tuyên truyền đến người dân với đa dạng các biện pháp. Lực lượng chức năng đã cùng với người dân tháo, cắt lồng sắt, tạo lối thoát nạn tại các tầng tum và ban công" - Chỉ huy CAQ Hoàn Kiếm cho biết.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền hướng dẫn người dân tạo lối thoát nạn trong gia đình

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền hướng dẫn người dân tạo lối thoát nạn trong gia đình

Cùng với đó, CAQ Hoàn Kiếm đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, thực hành các phương án chữa cháy phù hợp cho từng tuyến phố cổ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức, để người dân có ý thức, kỹ năng ứng phó đối với công tác PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn: “Phương án thoát nạn trong mỗi gia đình rất quan trọng và việc đó chỉ chủ nhân của ngôi nhà mới thực hiện chính xác được. Khi các tình huống được chủ nhà đặt ra và hàng ngày nói chuyện để tất cả mọi người trong gia đình biết, sẽ không mất bình tĩnh trong xử lý khi xảy cháy. Bắt đầu vào mùa hè nắng nóng, hầu hết các gia đình đều bật điều hòa và đóng kín cửa, sẽ khó phát hiện khi cháy xảy ra.

Để hạn chế tối đa các vụ cháy, mọi gia đình nên vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị điện thường xuyên; kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị điện trục trặc, hư hỏng và tuyệt đối không để các thiết bị điện chạy liên tục suốt nhiều ngày.

Khi ra khỏi nhà, cần chú ý tắt các thiết bị điện và thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp đồ đạc, kiểm tra định kỳ và không để đồ vật dễ cháy như chăn màn, quần áo ở gần ổ điện…