Tại sao ngày càng nhiều phụ nữ Indonesia tham gia vào các vụ đánh bom?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Indonesia tham gia vào các cuộc tấn công bạo lực trên khắp quần đảo này, đặc biệt là sau khi những người được đào tạo trong đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trở về từ Syria và sự hình thành của các nhóm liên kết với IS.
Cảnh sát Indonesia tại hiện trường vụ đánh bom liều chết bên ngoài nhà thờ ở Makassar hôm 28-3-2021

Cảnh sát Indonesia tại hiện trường vụ đánh bom liều chết bên ngoài nhà thờ ở Makassar hôm 28-3-2021

Không đơn giản phụ nữ làm theo lệnh của đàn ông

Khi Zakiah Aini, một phụ nữ 25 tuổi đã bỏ ngang đại học mang theo súng bước vào Trụ sở Cảnh sát Quốc gia Indonesia ở Jakarta vào cuối tháng 3, cô ta đã bị bắn chết ngay tại hiện trường. Sau đó, chỉ 1 tuần trước lễ Phục sinh, nhà thờ theo đạo Thiên chúa ở Makassar, Sulawesi đã bị 2 kẻ đánh bom liều chết tấn công. Đó là cặp đôi vừa kết hôn được 7 tháng. Tất cả những vụ đánh bom trước đó có phụ nữ tham gia, hầu hết là có liên quan đến nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD) mà đôi khi được gọi là “IS Đông Nam Á”.

Sau cuộc tấn công vào trụ sở cảnh sát, Cảnh sát trưởng Quốc gia Listyo Sigit Prabowo đã mô tả Aini là một “con sói đơn độc”, mặc dù trong một bức thư cô ta viết cho cha mẹ và anh chị em của mình có kèm theo một tuyên bố ngắn về sự tức giận với những gì được cho là không tuân thủ luật Hồi giáo. Aini cũng đăng cờ IS trên Instagram trước vụ tấn công và mua vũ khí từ một người đàn ông ở tỉnh Aceh, thành viên của JAD và đã bị kết tội khủng bố.

Judith Jacob, nhà phân tích an ninh và khủng bố tại Trường Kinh tế London cho rằng: “IS đã tạo ra cấu trúc cho phép đưa phụ nữ vào các vai trò tuyến đầu hơn. Bằng cách khuyến khích các cuộc tấn công tranh thủ mọi cơ hội có thể, nó mở ra cánh cửa cho phụ nữ tham gia dễ dàng hơn so với trước đây”. Theo bà Jacob, điều quan trọng là không nên suy đoán rằng những nghi phạm nữ chỉ đơn giản là làm theo lệnh của đàn ông.

Ngay cả trong bản thân các nhóm cấp tiến, dường như cũng có một số tranh cãi về vai trò của phụ nữ. Một cựu thành viên nam của JAD giấu tên cho hay, trong tổ chức IS, việc phụ nữ được phép tham gia vào một cuộc tấn công nhắm vào kẻ thù phụ thuộc vào nhóm lên kế hoạch. Nhóm JAD mà anh ta tham gia không muốn để phụ nữ tham gia vào các cuộc tấn công trực tiếp trong khi nhóm JAD ở Surabaya đưa phụ nữ vào chiến lược đánh bom nhà thờ năm 2018. Ngoài tác động tâm lý của các cuộc tấn công như vậy đối với công chúng, những nữ nghi phạm còn được sử dụng như một công cụ tuyên truyền. “Ý tưởng là để truyền bá câu chuyện rằng nếu ngay cả phụ nữ cũng dám hy sinh mạng sống của mình, vậy còn đàn ông thì sao?”, người này nói.

Cần chú ý hơn đến tiềm năng của phụ nữ

Nhà phân tích an ninh và khủng bố tại Trường Kinh tế London Judith Jacob cho hay, IS đưa ra lời kêu gọi rõ ràng hơn về sự tham gia của phụ nữ vào cuộc thánh chiến vào năm 2017. Đó có thể coi là một bước đột phá về nữ quyền đối với IS, nhưng nó cũng nói lên một điều IS đang bị dồn vào chân tường và cần huy động thêm người. Với Indonesia, lực lượng an ninh dù đã liên tục truy quét các nhóm phần tử khủng bố nhưng lại không chú ý đến tiềm năng của phụ nữ, những đối tượng âm thầm tiếp thu lời kêu gọi của IS.

Ông Noor Huda Ismail, cựu thành viên của nhóm Darul Islam theo đường lối cứng rắn, người đã thành lập Viện Xây dựng Hòa bình Quốc tế và điều hành các chương trình và hội thảo xóa bỏ phi hạt nhân hóa trên khắp Indonesia nhận định rằng mạng xã hội đã đóng góp một phần vào việc phụ nữ chuyển sang bạo lực trực tiếp. “Trong lịch sử Indonesia, phụ nữ đóng vai trò hỗ trợ nhiều hơn và không trực tiếp tham gia vào khủng bố ngay cả khi họ là thành viên các gia đình khủng bố. Nhưng gần đây, hầu hết, họ bị thúc đẩy bởi những lý do rất riêng tư và tình cảm”, ông Noor Huda Ismail nói. Những điều này có thể bao gồm trả thù, chuộc lỗi hay triển vọng tìm kiếm bạn đời trong trường hợp tìm đường đến Syria chiến đấu trong hàng ngũ IS.

Ông Noor Huda Ismail cũng cho rằng, cần nhìn nhận giới tính như một cấu trúc xã hội chứ không phải dưới góc độ sinh học, ví như quan niệm rằng đàn ông vốn bạo lực và phụ nữ vốn dĩ ôn hòa. Tuy nhiên, ông cảnh báo, nghiên cứu về giới trong các nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn là điều vẫn còn sơ khai. “Cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định các động lực thúc đẩy phụ nữ tham gia vào bạo lực. Chính phủ phải hợp tác chặt chẽ với xã hội dân sự và các khu vực tư nhân để thực hiện các biện pháp can thiệp”.

Rõ ràng điều đầu tiên cần tránh là quan niệm phân biệt giới tính, rằng những phụ nữ này bị dụ dỗ hoặc ép buộc tham gia. Những phụ nữ này tích cực và sẵn sàng tham gia theo cách riêng của họ và luôn là một phần không thể thiếu của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Indonesia. Sự khác biệt bây giờ là sự chuyển đổi sang các vai trò tích cực hơn hoặc góp mặt trên tiền tuyến”

Judith Jacob (Nhà phân tích an ninh và khủng bố tại Trường Kinh tế London)