Tại sao EURO 2016 rơi vào tình trạng "báo động đỏ" về an ninh

ANTĐ - Thay cho thông tin về sự chuẩn bị của các đội bóng, công tác bảo vệ an ninh là chủ đề chính trên các mặt báo trước thềm EURO 2016. Đâu là nguyên nhân khiến giải vô địch các quốc gia châu Âu lần thứ 15 rơi vào nguy cơ bị đe dọa cao như vậy? 

Ngày 7-6, Bộ ngoại giao Anh đã cảnh báo các công dân của mình khi tới Pháp theo dõi EURO 2016. Sau đó một ngày, chính phủ Pháp chính thức phát đi lời cảnh báo về nguy cơ giải vô địch các quốc gia châu Âu bị tấn công khủng bố. Trước đó, Mỹ từng nói về khả năng EURO 2016 trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa khủng bố. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ EURO, mà vấn đề an ninh lại được nhắc tới nhiều đến như vậy.

Pháp huy động lượng hỗn hợp hơn 100.000 nhân viên an ninh để bảo vệ EURO 2016

Về mặt khách quan, EURO 2016 diễn ra giữa bối cảnh các cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông được đẩy lên đỉnh điểm. Bất chấp khoảng cách về địa lý, sự can thiệp của các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và một số nước khác… vào tình hình ở Iraq và Syria, nơi nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) “làm mưa, làm gió” trong một thời gian dài dẫn đến những nguy cơ về an ninh cho giải vô địch các quốc gia châu Âu.

Vụ đánh bom xảy ra tại một sân bay ở Brussels, Bỉ gần đây cho thấy IS đang điên cuồng nhắm vào các mục tiêu dân sự tại châu Âu. Một giải đấu đông đảo khán giả, thu hút sự quan tâm lớn như EURO 2016 rõ ràng là mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa khủng bố.

Tình hình trở nên phức tạp hơn sau các cuộc di cư của thường dân Iraq cũng như Syria vào các nước châu Âu. Thông qua con đường này, IS có thể thâm nhập vào pháp qua biên giới Bỉ hoặc một số nước khác để thực hiện âm mưu. Ngày 7-6, an ninh Ukraine đã bắt giữ một kẻ tình nghi tàng trữ “kho vũ khí”, trong đó có thuốc nổ TNT và súng trường, với kế hoạch tấn công khủng bố vào 15 địa điểm khác nhau trên đất Pháp trong thời gian diễn ra EURO 2016.

Về mặt chủ quan, những mâu thuẫn nội tại trong tình hình đời sống kinh tế xã hội Pháp dẫn đến nguy cơ cao về an ninh, đặc biệt tại EURO 2016. Tình trạng nhập cư tràn lan, nhập cư trái phép, mâu thuẫn sắc tộc… là nguồn cơn cho những bất ổn ở chính đất nước hình lục lăng.

Thảm kịch tấn công khủng bố xảy ra ở Paris hồi tháng 10-2015, trong đó 3 kẻ đánh bom tự sát kích nổ chiếc áo khoác cài đầy chất nổ bên ngoài sân Stade de France trong trận giao hữu giữa Pháp và Đức, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho công tác an ninh tại EURO 2016.

Khi không khí đau thương tại quán cà phê, rạp hát và bên ngoài sân Stade de France chưa nguôi ngoai, người dân Pháp cũng như thế giới bị rúng động bởi vụ thảm sát khác xảy ra tại trụ sở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo hồi tháng đầu 1 khiến 12 người thiệt mạng.

Những vụ việc trên phơi bày hàng loạt vấn đề của Pháp, từ bất ổn xã hội cho tới sự yếu kém của lực lượng an ninh. Không chỉ phản ứng chậm trễ, thiếu kinh nghiệm… cảnh sát Pháp còn phải căng sức với hàng loạt các vụ biểu tình hay xung đột từ các nhóm công dân khác nhau.

Với các vụ việc như trên, liệu các nhà chức trách hay giới hâm mộ có chắc chắn chính phủ Pháp có thể bảo đảm an toàn tại EURO 2016 hay không.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ tấn công khủng bố từ IS, an ninh Pháp còn phải đương đầu với các vụ khủng bố tiềm năng do những phần tử “cây nhà, lá vườn” thực hiện.

Vụ thảm sát nhằm vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy nguy cơ khác mà đất nước hình lục lăng phải đối mặt, đó chính là những nhân viên bảo vệ an ninh tại EURO 2016.

Theo thăm dò, có 82 trong số 3.500 nhân viên an ninh “tiềm tàng nguy cơ” trở thành những kẻ khủng bố do khác biệt về hệ tư tưởng, nguồn gốc tôn giáo, mâu thuẫn sắc tộc, hoặc những vấn đề nội tại.