Tại sao chưa trấn áp được nạn cướp biển ở Đông Nam Á?

ANTĐ - Một thủy thủ Việt Nam đã tử vong trong vụ cướp biển tấn công tàu vận tải Việt Nam ASPHALT 2, trọng tải 3.000 tấn của Công ty cổ phần vận tải hóa dầu VP Lần đầu tiên kể từ năm 2009, cướp biển Đông Nam Á đã giết người. Đây là một bước tiến nguy hiểm của cướp biển, buộc các quốc gia trong khu vực, các quốc gia có quyền lợi trên tuyến vận tải biển chuyên chở 31% lượng hàng hóa vận tải đường biển trên toàn thế giới, phải đặt lại vấn đề phòng chống cướp biển, đảm bảo an ninh hàng hải. 

Vùng biển trọng yếu nhưng thiếu an ninh

 Theo một thống kê của Cục Hàng hải quốc tế (IMB), chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, số vụ cướp biển ở khu vực này đã lên đến 124 vụ, bằng cả năm 2013. Trong khi đó, IMB và Tổ chức Chống cướp biển châu Á (ReCAAP) nhận định, số vụ cướp biển xảy ra ở vùng biển châu Á còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê bởi có nhiều vụ các tàu bị nạn đã không thông báo với nhà chức trách. Đây là tuyến đường thương mại quan trọng nhất giữa châu Âu và Đông Á. Mỗi năm, nó trung chuyển 1/3 lượng dầu thô từ vịnh Ba Tư tới các nền kinh tế lớn của châu Á. Chỉ tính riêng Singapore,  khoảng 130.000 tàu hàng đến đảo quốc nhỏ bé này hàng năm, nghĩa là trung bình cứ 4 phút lại có một tàu hàng đi qua eo biển Singapore, mỗi ngày, 15 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây. Vì vậy, bọn cướp biển càng liều lĩnh vì mỗi chuyến hàng cướp được, chúng có thể thu về tới hàng triệu USD.

Bọn cướp biển ở Đông Nam Á là những công ty tội phạm có tổ chức, có mạng lưới gián điệp tinh vi, khi ra tay có phối hợp nhịp nhàng với nhau từ khâu đánh cướp tới tiêu thụ hàng hóa. Thậm chí, nhiều tổ chức cướp biển còn có đội tàu chứa, vận tải để kịp thời hút dầu từ các tàu bị cướp chuyển về kho chứa. Số vụ cướp quá lớn đã gây nhiều thiệt hại cho các chủ tàu. Theo một số chuyên gia, con số thiệt hại đã lên đến 8,4 tỷ USD hàng năm. 

Đã có những hoạt động phối hợp quốc tế nhằm giảm thiểu nạn cướp biển ở khu vực eo Malacca và eo Singapore. Tuy nhiên, sự phối hợp, tuy rất cần thiết, nhưng chưa hữu hiệu, chưa đủ sức đối phó với các tổ chức cướp biển.

Sự phối hợp cần thiết nhưng kém hiệu quả

Về mặt hình thức, các tổ chức chống cướp biển khu vực Đông Nam Á đã có khá nhiều với những cơ chế có thể tạo ra sự phối hợp hữu hiệu. Tuy nhiên, vấn đề là tất cả mới dừng ở hình thức. Các cuộc tuần tra chung, vốn chỉ coi là những cuộc diễn tập với mục tiêu trình diễn là chính. Các cuộc trao đổi thông tin chủ yếu chỉ để giải quyết hậu quả của những vụ cướp. Đối với Tổ chức ReCAAP cướp biển hoành hành dữ dội nhất nằm trên vùng biển giữa 3 nước, thì chỉ có Singapore tham gia, còn Indonesia thì không tham gia. Các thỏa thuận về hợp tác trong khối ASEAN chỉ mới được thảo luận, còn trên thực tế chưa có, cũng bởi khối này còn quá nhiều việc quan trọng để làm. 

Trong khi đó, có vẻ như bọn cướp biển cũng nắm được những thay đổi của tình hình và từ đó thay đổi phương thức hoạt động khiến cho không ít vụ việc xảy ra vượt ngoài tầm kiểm soát của các nỗ lực. Theo các chuyên gia Cục Hàng hải quốc tế và Tổ chức chống cướp biển châu Á, cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore là loại tội phạm có tổ chức cao, chúng có thông tin tình báo về các con tàu và phải tìm khách mua hàng từ trước, thường là khách hàng quốc tế có sẵn nhiều tiền mặt. Giới phân tích khẳng định các nhóm cướp biển khu vực phải nhận được thông tin tình báo và tiền tài trợ từ các băng đảng tội phạm ở Singapore và Indonesia thì mới có thể thực hiện những vụ tấn công tầm cỡ như thế. 

Cần có những biện pháp quyết liệt

Chống cướp biển, theo các nhà chuyên môn, là một quá trình gồm kiểm soát mặt biển, hải cảng, nắm được các mạng lưới tội phạm trên đất liền để dự đoán các cuộc tấn công có thể xảy ra trên biển, điều phối hoạt động tác chiến trên biển... Trong quá trình đó, hoạt động tình báo, do thám và chia sẻ thông tin là tối quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nạn cướp ở biển phía nam Biển Đông có thể được ngăn chặn nếu các đơn vị như Trung tâm phối hợp thông tin (IFC) của hải quân Singapore, Trung tâm chia sẻ thông tin của ReCAAP và IMB tại Malaysia cải thiện được hoạt động trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra và cộng tác tốt hơn với các nước trong khu vực. Mặc dù, việc các tàu vũ trang phối hợp tuần tra đang gặp những khó khăn về lòng tin trong bối cảnh  tranh chấp lãnh thổ trên biển đang bùng phát. Tuy nhiên, với nạn cướp biển gia tăng, chưa bao giờ sự phối hợp tuần tra vũ trang thường xuyên, cả công khai cả mật phục dọc tuyến vận tải biển lại cần thiết như hiện nay. Thỏa thuận giữa các  Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tăng cường hợp tác tuần tra chung, diễn tập trên biển, cũng như sẽ chia sẻ thông tin nhằm đối phó với tình trạng cướp biển ở Malacca và Biển Đông cần phải sớm thực hiện. 

Ngoài ra các giải pháp kỹ thuật như trang bị hệ thống định vị vệ tinh cho tất cả các tàu biển cũng rất cần thiết. Hệ thống này cho phép kiểm soát và xác định được vị trí tàu bị cướp. Tuy nhiên quan trọng hơn cả, chính là việc chống tội phạm trên bờ. Nếu dầu bọn tội phạm cướp được không thể tiêu thụ, nạn cướp tàu dầu chắc chắn sẽ giảm hẳn. Lưu ý, hàng trăm vụ cướp đã xảy ra, hàng triệu thùng dầu đã bị cướp mà không tìm thấy tung tích. Theo một số nguồn tin, dầu bị cướp được trao đổi tại các “khu chợ” bí mật có sự tham gia của nhiều chủ doanh nghiệp lọc dầu, các nhà kinh doanh dầu mỏ. Giá bán chỉ bằng 50% giá thị trường và trả bằng tiền mặt. 

Loại bỏ những “khu chợ’ phi pháp này cũng là việc khẩn cấp để trấn áp nạn cướp biển trang khu vực Đông Nam Á.