Tại sao châu Âu lại chùn bước trước lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phương Tây đang tăng thêm áp lực thực hiện các biện pháp trừng phạt hơn nữa nhằm vào Matxcơva liên quan đến tình hình xung đột Ukraine. Mặc dù vậy, châu Âu vẫn không tiếc tiền thanh toán tiền dầu khí và chùn bước trước lệnh cấm hoàn toàn năng lượng Nga.
Việc cắt giảm năng lượng Nga được cho là sẽ tác động đáng kể đối với nền kinh tế châu Âu

Việc cắt giảm năng lượng Nga được cho là sẽ tác động đáng kể đối với nền kinh tế châu Âu

Châu Âu không thể tẩy chay dầu khí Nga

Liên minh châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga, nguồn năng lượng dùng để sưởi ấm các ngôi nhà, nguồn năng lượng cho công nghiệp và là nguyên liệu chính cho các sản phẩm như phân bón. Đối với dầu, nguồn cung từ Matxcơva chiếm khoảng 25%, phần lớn là xăng và dầu diesel cho xe cộ. Các nhà phân tích của S&P Global cho biết, Nga cung cấp khoảng 14% lượng dầu diesel, và việc cắt giảm có thể khiến giá nhiên liệu xe tải và máy kéo tăng cao ngất ngưởng.

Trong một so sánh, Mỹ nhập khẩu ít dầu và không nhập khí đốt tự nhiên từ Nga vì họ cũng có trữ lượng đáng kể tự khai thác. Còn châu Âu có một số mỏ dầu và khí đốt, nhưng sản lượng đang giảm khiến 27 quốc gia EU phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong số 155 tỷ m3 khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga hàng năm, 140 tỷ m3 chuyển qua các đường ống đi qua Ukraine, Ba Lan và dưới biển Baltic. Châu Âu đang muốn có thêm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng, còn gọi là LNG vận chuyển bằng tàu biển, nhưng điều đó không thể bù đắp được lượng khí đốt từ Nga. LNG cũng đắt hơn nhiều và các nhà cung cấp cũng đã vận hành tối đa công suất. Trong khi một số quốc gia châu Âu có kết nối tốt với các thiết bị đầu cuối LNG thì với một số nước như Hy Lạp và Ba Lan, các dự án mới không đủ khả năng kết nối với phần còn lại của châu Âu. Việc xây dựng các bến và đường ống nhập khẩu LNG có thể mất nhiều năm.

Do phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga ở các mức độ khác nhau nên EU khó đạt được thỏa thuận về việc tẩy chay nhà cung cấp này. Lithuania cuối tuần qua cho biết, họ ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ chỉ dựa vào một nhà ga LNG đã đưa vào hoạt động vào năm 2014. Trong khi Đức, nền kinh tế lớn nhất lục địa, vẫn nhận 40% khí đốt từ Nga, ngay cả sau khi cắt giảm sự phụ thuộc. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Robert Habeck cho biết, họ đặt mục tiêu chấm dứt nhập khẩu than của Nga vào mùa hè này, nhập khẩu dầu vào cuối năm và độc lập chủ yếu về khí đốt vào năm 2024.

Kế hoạch của EU là cắt giảm 2/3 lượng sử dụng khí đốt của Nga vào cuối năm nay và dừng hoàn toàn trước năm 2030. Bên cạnh việc nhập LNG từ Mỹ và Qatar, châu Âu đang thúc đẩy thêm nguồn khí đốt từ Na Uy và Algeria. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng thay thế nguồn cung của Nga khi thị trường toàn cầu bị thắt chặt. Việc châu Âu dừng tiêu thụ hơn 2 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày sẽ đẩy giá dầu cao hơn trên toàn thế giới.

Hệ quả nếu châu Âu cấm năng lượng Nga

Việc cắt giảm năng lượng Nga được cho là sẽ tác động đáng kể đối với nền kinh tế châu Âu. Các chính phủ sẽ phải cân đối nguồn cung khí đốt tại doanh nghiệp, bệnh viện và các hộ gia đình. Các nhà sản xuất kim loại, phân bón, hóa chất và thủy tinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Michael Vassiliadis, người đứng đầu công đoàn BCE của Đức đại diện cho những người lao động trong các ngành công nghiệp hóa chất và khai thác mỏ cho biết, dù cắt giảm một phần cũng có thể khiến hàng trăm nghìn việc làm “bay hơi”. Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của Anh, châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại nhà môi giới tiền tệ Oanda nói: “Các dự báo về tác động của lệnh cấm vận khác nhau, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ đẩy nước Đức vào suy thoái”.

Giải quyết bài toán này, chuyên gia chính sách năng lượng Simone Tagliapietra và nhà kinh tế Guntram Wolff tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu của EU đối với dầu và khí đốt của Nga. Điều đó sẽ làm giảm doanh thu của Nga trong khi tránh được tác động lớn đến tăng trưởng của châu Âu, với lợi thế pháp lý là giữ nguyên các hợp đồng. Các nhà lãnh đạo châu Âu tuần trước khẳng định những hợp đồng tương tự đã giúp họ tránh khỏi yêu cầu của Nga về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Tiền thuế thu được có thể được sử dụng để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước giá năng lượng cao hơn.

Do phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga ở các mức độ khác nhau nên Liên minh châu Âu khó đạt được thỏa thuận về việc tẩy chay nhà cung cấp này. Mặt khác, sẽ không dễ dàng thay thế nguồn cung của Nga khi thị trường toàn cầu bị thắt chặt.