Tai nạn trên cầu Thăng Long: Lỗi chủ yếu do bề mặt cầu

ANTĐ - Trước diễn biến ngày càng phức tạp về ATGT trên cầu Thăng Long, sáng qua 10-7, Sở GTVT Hà Nội đã họp bàn với các đơn vị liên quan để tìm biện pháp khắc phục. 

Mặt cầu Thăng Long sau nhiều lần sửa chữa vẫn lồi lõm

Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 CATP Hà Nội cho biết, tai nạn giao thông trên cầu thời gian gần đây tăng đột biến. Từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2012, xảy ra 38 vụ TNGT, trong đó, 11 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết 12 người, riêng 6 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 6 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 7 người. Đó là chưa kể các sự cố xe ô tô bị gẫy trục, nổ lốp trên mặt cầu xuất hiện ngày càng nhiều.

Trung tá Mẽ cho rằng, các cơ quan chức năng cần khẩn trương sửa chữa mặt cầu, đặc biệt phải có đội sửa chữa duy tu chuyên trách, phát hiện rạn nứt phải hàn vá ngay; cắm biển báo nguy hiểm; kẻ phân làn đường cho từng loại xe tải, xe con. Đồng thời, quy định hạn chế tốc độ xe 4-9 chỗ 50km/h, xe tải 1,5 tấn trở lên chạy 40km/h. 

Theo báo cáo của Công ty Công trình giao thông 2, qua kiểm tra hiện trường, trên mặt cầu Thăng Long còn tới 32 vị trí hư hỏng. Công ty đã nhiều lần có công văn gửi Ban Quản lý dự án 2 (QLDA2) (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đề nghị sớm khắc phục sửa chữa mặt cầu nhưng không thấy chất lượng cải thiện. Khẳng định mặt cầu hư hỏng là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân đề nghị, cần tiếp tục duy tu, sửa chữa thường xuyên trong khi chưa có giải pháp kỹ thuật tốt để sửa chữa mặt cầu. Theo đó, Sở sẽ cắm biển hạn chế tốc độ 40 km/h, tăng giờ chốt trực để nghiêm cấm xe máy đi lên tầng 2 và sơn gờ giảm tốc đoạn cầu dẫn; cắm biển báo hiệu nguy hiểm kèm biển báo hạn chế tốc độ. Khi cầu chưa được bàn giao cho Hà Nội quản lý, PMU2 cần tiếp tục chỉ đạo nhà thầu sửa chữa. 

Dự án cải tạo, sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Ban   QLDA2 (PMU18 cũ) làm chủ đầu tư, được khởi công từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác, mặt cầu vẫn có nhiều vết nứt, trồi, sụt... Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu sửa chữa nhiều lần song vẫn chưa khắc phục triệt để. Nhà thầu Bảo Quân đang sửa chữa mặt cầu lần cuối, trước khi bàn giao cho Hà Nội quản lý. Trước đó, lý giải về tình trạng những ụ nhựa đường cao 20cm, ổ gà trơ lõi sắt xuất hiện ngày càng nhiều trên cây cầu huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, PMU2 cho rằng, trời nắng nóng khiến bê tông trên bản thép tại mặt cầu có lúc lên gần 70 độ C, sau đó mưa đột ngột khiến bê tông co ngót, nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng.

Tình trạng lồi lõm, xuống cấp của mặt cầu Thăng Long đã được Nhà thầu Bảo Quân sửa chữa nhiều lần. Gần đây nhất, từ giữa tháng 5, cầu Thăng Long lại tiếp tục được tu sửa. Tuy nhiên, đến nay chất lượng mặt cầu vẫn không được cải thiện. Theo số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay diện tích hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long cần phải sửa chữa vào khoảng 1.800m2, với tổng kinh phí khắc phục khoảng từ 650 - 750 triệu đồng (trong đó riêng tiền bê tông nhựa khoảng 410 triệu đồng). Những điểm hư hỏng này cơ bản vẫn nằm trong số 4.500m2 mặt cầu tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng được Viện Khoa học và công nghệ Giao thông Vận tải dự báo hồi cuối năm 2011, trong đó phần diện tích tái hỏng sau khi đã được sửa chữa chiếm khoảng 50%.