Tai nạn tăng do ý thức tham gia giao thông kém

ANTD.VN - Số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) năm 2016 chỉ giảm 0,49% so với năm 2015, không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra hồi đầu năm. 

TNGT đường sắt tăng đột biến trong năm 2016

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ATGT 2016, triển khai năm 2017 sáng 4-1, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận, TNGT trong năm 2016 diễn biến hết sức phức tạp, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tải sản. Đáng nói, năm 2016 không đạt được chỉ tiêu giảm số người chết vì TNGT. Năm 2017, các bộ, ngành và địa phương cần có giải pháp thiết thực, mang tính đột phá để tháo gỡ tình hình hiện tại, đồng thời có giải pháp mang tính bền vững.

Gia tăng lái xe ô tô gây tai nạn 

Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, năm 2016, toàn quốc xảy ra gần 21.600 vụ TNGT, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với năm 2015, đã giảm 5,52% số vụ, giảm 0,49% người chết và giảm 8,5% người bị thương.

Đáng nói, TNGT đường sắt và đường thủy nội địa có xu hướng tăng. Trong đó, đường sắt xảy ra 360 vụ, tăng đến 37,9% và tăng 166% số người bị thương. Tương tự, đường thủy nội địa xảy ra 114 vụ, tăng 21,2%, làm chết 72 người, tăng 1,4% và 16 người bị thương, tăng 23%.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, qua phân tích các vụ TNGT đường bộ cho thấy, đa phần các vụ TNGT xảy ra là do ý thức người tham gia giao thông, chiếm tới 76,1%, tập trung chủ yếu vào các hành vi như đi không đúng phần đường làn đường, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không đảm bảo an toàn, sử dụng rượu bia… 

Đặc biệt tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Văn Khoa cho biết, TNGT có nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông chiếm tới 92%, với các lỗi chủ yếu như đi quá tốc độ, đi sai làn đường… 

Ngoài ra, qua phân tích cho thấy, số vụ TNGT xảy ra trên đường quốc lộ chiếm 37,13%, các tuyến đường nội thị chiếm 32,65%, các tuyến đường nông thôn chiếm 11,99%... Phương tiện gây tai nạn vẫn chủ yếu là xe máy, mô tô chiếm 66,7%. Đáng lưu ý, độ tuổi gây tai nạn từ 18 đến 27 tuổi chiếm tới 33,9% và độ tuổi từ 27 tới dưới 55 chiếm 41,1%. Tình hình người điều khiển ô tô gây TNGT có xu hướng gia tăng, lượng ô tô hiện chỉ chiếm khoảng 6% nhưng chiếm tới 23,7% nguyên nhân gây TNGT. 

Xử lý nghiêm, không cho phép “xin xỏ”

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận, năm 2016 chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì TNGT, chỉ giảm được 0,49%, đặc biệt số người chết vì TNGT trong các tháng 5, 6, 8, 11 và tháng 12 đều tăng so với cùng kỳ 2015. Nguyên nhân do một số địa phương còn tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về ATGT đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện; việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương còn mang tính hình thức. 

Trong khi đó, hiệu lực và chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra giám sát tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí có tiêu cực làm trái quy định như vụ việc tiêu cực của Thanh tra GTVT tại Cần Thơ, Hà Tĩnh.

Ngoài ra, ý thức của người tham gia giao thông còn chưa cao, chưa tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận chủ phương tiện, cũng như một số lái xe, thuyền viên trong hoạt động vận tải. 

Năm 2017, mục tiêu của cả nước về đảm bảo ATGT là tiếp tục giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí so với năm 2016, giảm số người chết do TNGT năm 2017 ở mức dưới 8.500 người. Cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Phải xử lý nghiêm các vi phạm, không thể để tình trạng cứ bị dừng xe là rút điện thoại ra gọi, sau đó có tiếng nói người quen là cho đi. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng thực thi công vụ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở  TP.HCM trong việc chậm báo cáo về vụ việc 1 thanh niên lọt hố ga bị chết ngạt dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều tra, xử lý và báo cáo nhưng từ tháng 10-2016 đến nay chưa thấy hồi âm…

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đề xuất, cần phân rõ trách nhiệm của các bộ ngành chức năng. Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Để giảm ùn tắc, TNGT, năm 2017, Thiếu tướng Trần Sơn Hà kiến nghị, trước tiên phải xử lý nghiêm  những trường hợp vi phạm giao thông, không để xảy ra tình trạng xin xỏ, gọi điện hỗ trợ.