Tai nạn lao động gia tăng: Chủ sử dụng lao động coi thường pháp luật

ANTĐ - Tình hình tai nạn lao động thời gian gần đây báo động cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng, mới nhất là vụ sập giàn giáo công trình tại  Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh khiến hàng chục người tử vong và bị thương. Ngày 26-3, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Tai nạn lao động gia tăng: Chủ sử dụng lao động coi thường pháp luật ảnh 1Người sử dụng lao động phải có ý thức hơn về công tác đảm bảo an toàn cho người lao động

- PV: Vì sao các cơ quan chức năng đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng tai nạn lao động vẫn gia tăng, gần nhất là vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh xảy ra ngay sau khi phát động Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ?

- Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động: Số vụ tai nạn lao động và số người chết đang tăng lên. Đặc biệt là vụ tai nạn xảy ra tại công trường của dự án Formosa khiến nhân dân cả nước bàng hoàng, đau đớn. Thực tế đó đòi hỏi các cấp chính quyền, Công đoàn, người sử dụng lao động có ý thức hơn về công tác phòng ngừa tai nạn lao động để giảm thiểu những thiệt hại đó.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến tai nạn lao động gia tăng?

- Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn lao động của người sử dụng lao động chưa cao. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hơn 73% nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua là do ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng chưa tự trang bị những kiến thức phòng chống tai nạn lao động. Cũng phải kể tới sự gia tăng về số lượng, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn tới số lượng lao động tăng cao và nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn lao động cũng gia tăng.

- Có phải chế tài xử phạt quá nhẹ hay việc thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt? Biện pháp nào để thay đổi được thực trạng này?  

- Hiện nay, việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động của các doanh nghiệp còn khá nhiều hạn chế, phần nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động. Trong khi đó, công tác thanh tra còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do lực lượng thanh tra lao động vẫn còn hạn chế. 

Hơn nữa, chế tài xử phạt ở lĩnh vực này còn khá nhẹ. Sự phối hợp giữa các ngành cũng chưa tốt, nhất là trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người. Thực tế, số vụ tai nạn lao động chết người được đưa ra xét xử chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Các ngành chức năng liên quan cần phải vào cuộc quyết liệt, phải có những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, nhất là các hành vi dẫn đến tai nạn lao động chết người của chủ sử dụng lao động.

Về giải pháp, quan trọng nhất vẫn phải phải nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động. Phải tổ chức được bộ phận chuyên làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải giáo dục người lao động tuân thủ tất cả những quy định về an toàn vệ sinh lao động, về sử dụng những dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động để bảo đảm an toàn cho chính họ và sau đó là bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục