"Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng"

ANTD.VN - Ngày 21-5, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm về Tài chính tiêu dùng năm thứ tư với chủ đề “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng”.

"Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng" ảnh 1

Toàn cảnh Tọa đàm diễn ra sáng nay, 21-5-2020, tại trụ sở Báo Đầu tư

Thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Vai trò của tài chính tiêu dùng càng được thể hiện rõ nét qua thời gian nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19, những món vay giá trị không lớn nhưng đóng vai trò cung cấp giải pháp tài chính quan trọng cho nhiều cá nhân, nhiều gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt.

Lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2019 đã 18 công ty tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có 6 công ty nước ngoài.

Khung khổ pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng cũng ngày càng được cập nhật và hoàn thiện hơn. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, ngày 04/11/2019 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Quy định mới này được đánh giá là sẽ giúp hoạt động cho vay tiêu dùng minh bạch và rõ ràng hơn, hạn chế những hệ lụy phát sinh trong công tác cho vay, thu hồi nợ có tính chất tiêu cực.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương chia sẻ, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động của đời sống xã hội cũng đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. Đây chính là thời điểm để chúng ta bắt đầu chuẩn bị các kịch bản, dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những biện pháp kích cầu tiêu dùng

Cho biết Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bởi những tác động của dịch Covid-19, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn kiện, dự thảo tham mưu cho Chính phủ mà điểm chung của mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài.

“Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng”, ông Phương nhấn mạnh.

Thời điểm để kích cầu nội địa

Trong hơn 3 tiếng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, các chuyên gia, công ty tài chính đã cung cấp những thông tin hữu ích, những phân tích, góc nhìn và giải pháp để hoạt động tài chính tiêu dùng nói riêng, tài chính vi mô nói chung được phát triển nhanh và lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tốt hơn với cộng đồng.

Cụ thể, phân tích về thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kỳ vọng thu nhập tăng thì tín dụng tăng và ngược lại. Do đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và nhiều ngành khác. 

Theo ông Tú Anh, tín dụng tiêu dùng khác tín dụng doanh nghiệp bởi khả năng phát tán rủi ro thấp. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 là rủi ro hệ thống chứ không phải cục bộ, dẫn tới khả năng phát tán rủi ro của tín dụng tiêu dùng bị vô hiệu.

Phân tích một số yếu tố vĩ mô như dự trữ ngoại hối cao, kỳ vọng lạm phát thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ đang thấp, cán cân thặng dư…, ông Tú Anh cho rằng nền móng kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá vững chắc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo còn tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, chủ trương của nhà nước là khai thác thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, cầu nội địa. “Cần cơ chế kết hợp được Chính phủ, nhà sản xuất, người cung cấp tín dụng”, ông Tú Anh nêu.

Ở góc độ khác, đánh giá bối cảnh hiện nay là thời điểm cần thắp sáng để kích cầu nội địa, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.

Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5- 2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

Đưa ra 7 nhóm giải pháp, ông Hòe cho rằng, cần khẩn trương chi hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% từ VBSP đối với DN để trả lương.

Tham gia tọa đàm, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.

Nếu áp các quy định theo Thông tư 41 thì các ngân hàng có muốn cũng khó cho vay, do đó đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.  

"Như vậy, nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay “dư địa” cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn", ông Đức nói.

Buổi tọa đàm cũng đã nhận được những chia sẻ giá trị của TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế; Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính SHB (SHB Finance)

Trong đó, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy nói bày tỏ, các công ty tài chính mong muốn Ngân hàng Nhà nước có nhiều chế tài pháp lý chặt chẽ hơn nữa đối với các khách hàng không trả nợ đúng hạn để các công ty tài chính có thể xây dựng các phương án thu hồi nợ an toàn, toàn diện và hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó,  cần có khuôn khổ pháp lý riêng cho nhóm công ty hoạt động cho vay bằng hình thức P2P (cho vay ngang hàng), để có chế tài quản lý hoạt động và kiểm tra được lịch sử nợ của khách hàng vay tại đây.

Cũng theo bà Vy, cần khuyến khích tất cả công ty tài chính tham gia Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, phân nhóm công ty tài chính và có diễn đàn chuyên đề riêng cho tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tạo một sân chơi mới, liên kết phối hợp giữa các công ty tài chính để chia sẻ các thông tin khách hàng gian lận, nhóm nhân viên gian lận cấu kết khách hàng trục lợi công ty tài chính…