Tái hiện khúc tráng ca

ANTĐ - Từ ý tưởng của Viện Viễn đông Bác Cổ, triển lãm “Hà Nội những ngày đêm năm 1972” vừa khai mạc vào chiều qua, 11-10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Hình ảnh về một Hà Nội hiên ngang giữa những đau thương mất mát được tái hiện, khiến cho không ít người xem xúc động đến trào nước mắt.

Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần hứng chịu bom

Từ các nguồn tư liệu được cung cấp bởi TTXVN, Bảo tàng Phòng không-Không quân, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương và Trung tâm lưu trữ Ngoại giao La Courneuve (Pháp), triển lãm đã tái hiện một thời kỳ lịch sử đầy bi tráng của Hà Nội với “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Những ngôi nhà đổ nát, máu, nước mắt cùng cả những vành khăn trắng buộc vội trên đầu  những đứa trẻ đã khiến không ít người xem xúc động nghẹn ngào. Thăng Long-Hà Nội đã trải qua lịch sử cả nghìn năm với biết bao biến cố, nhưng có lẽ năm 1972 sẽ được ghi vào lịch sử như một trang sử hào hùng của Thủ đô. Vạn lời nói không đủ sức thuyết phục bằng một hình ảnh chân thực, bởi thế, không dừng lại ở việc trưng bày hình ảnh, tại triển lãm, từng ý kiến được đính kèm với phần hình ảnh đã làm sáng tỏ hơn về tội ác của giặc ngoại xâm.

Em bé bơ vơ sau trận đánh bom của giặc Mỹ

Tại hình ảnh tái hiện bệnh viện Bạch Mai năm 1972, lời kể đính kèm của ông Nguyễn Bá Kinh, bác sỹ khoa Ngoại thật sự gây xúc động với người xem. Để cứu sống một bệnh nhân bị sập hầm do bom nằm giữa 2 bệnh nhân khác đã chết, ông Kinh và đồng đội đã buộc tháo khớp chân người chết nằm ngoài cùng để lấy chỗ buộc dây vào cô gái còn sống và kéo lên. Sau khi cô gái được đưa lên, ông Kinh và mấy anh em đã thắp hương quỳ lạy, tạ tội với người đã khuất. 

Bên cạnh việc làm sống lại hình ảnh những ngày đau thương, triển lãm còn tái hiện hình ảnh của Hà Nội hiên ngang trong những ngày khói lửa. 40 năm qua, những hình ảnh ấy vẫn được xem là tiêu biểu cho khí phách, tinh thần quật cường Hà Nội.

Bộ đội tên lửa Việt Nam đã chiến thắng pháo đài bay B52

Đám cưới của NSNA Chu Chí Thành đã diễn ra sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

Triển lãm đã dành một góc không gian để lột tả niềm hạnh phúc của người dân Hà Nội được sống trong những ngày hòa bình. Với nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam thì sau thời khắc “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” ấy có nghĩa là “mình không chết và người yêu mình không chết. Khi dừng ném bom, người mình không chùng xuống mà khỏe lên, phấn chấn lên”. Chỉ sau đó ít ngày, ông đã làm đám cưới, mừng chiến thắng và chờ đợi Hiệp định Paris. Đám cưới diễn ra giản dị chỉ có bánh kẹo và hoa đồng tiền. Để rồi sau 20 ngày cưới vợ, nhà nhiếp ảnh trẻ tuổi này đã có mặt ở Quảng Trị để chụp những bức ảnh về trao trả tù binh. Những hình ảnh về đám cưới của ông Chu Chí Thành đã là cái kết đẹp cho một triển lãm mang nhiều ý nghĩa, không chỉ với các thế hệ đã trải qua chiến tranh mà vẫn còn nguyên giá trị lịch sử với thế hệ trẻ.