Tái cơ cấu, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, thủy sản

ANTĐ - Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu trọng điểm nhưng các mặt hàng nông, thủy sản lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu. 
Tái cơ cấu, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, thủy sản ảnh 1

Tái cơ cấu nông nghiệp để chấm dứt “được mùa mất giá”

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thị trường tiêu thụ mặt hàng nông, thủy sản gặp khó khăn do nhiều nền kinh tế có xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng cường, nhất là với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự kiện biển Đông cũng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. 
“Việc tiêu thụ nông sản liên quan đến hàng chục triệu lao động nông thôn, miền núi. Vì vậy, cần nhận diện rõ khó khăn để thực hiện để tìm ra giải pháp, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như: gạo, cà phê, thủy sản, tiêu, điều, gỗ đều giữ vị trí hàng đầu trong danh mục hàng xuất khẩu. 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 8,92 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: “Xuất khẩu tháng 5 rất “đáng giật mình” vì giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lúa đông xuân được mùa ở cả 3 miền, chăn nuôi phục hồi, nuôi trồng thủy sản sôi động sau một thời gian được giá, đánh bắt trên biển dù có sự cố trên biển Đông nhưng 5 tháng vẫn tăng 5,5%. Sản phẩm tăng nhưng thị trường lại co lại”- người đứng đầu Bộ NN&PTNT nói.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng cao su đã kéo dài từ năm 2013 sang đến năm 2014 và có nhiều khả năng kéo dài trong năm tới, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thị trường xuất khẩu cao su bị thu hẹp, lượng tồn kho lớn, giá cao su giảm mạnh. Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu cao su lại không ổn định, gây khó khăn cho doanh nghiệp cao su.

Chia sẻ khó khăn tại hội nghị, ông Đinh Văn Hương- Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay, tại Đà Lạt, rau bắp cải được trồng ồ ạt, thương lái Đài Loan nhập khẩu giảm nên đang dư thừa. Mặt hàng cà chua cũng trong tình trạng tương tự. Thêm vào đó, các thị trường xuất khẩu lại yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật nên người dân rất cần được sự hỗ trợ.

Cùng chung khó khăn này, ông Đặng Hoàng Giang- Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong khi tiêu thụ nội địa lại quá ít. Bài học kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy, thị trường nội địa trong một số thời điểm nhất định là cứu cánh cho ngành. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nhu cầu và quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần sớm trình đề án tái cơ cấu phát triển điều bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chế biến sâu sản phẩm để thu được giá trị gia tăng cao hơn.

Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, trong nhiều năm nay, hiện tượng “được mùa, mất giá” diễn ra phổ biến tại các ngành hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là do công tác quy hoạch các vùng nguyên liệu nông, thủy sản chưa được triển khai nhất quán và đồng bộ, dẫn đến giảm sút về chất lượng sản phẩm và hiệu quả xuất khẩu. 
Mặt khác, do phát triển sản xuất nhanh, trong khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt ra đời chậm nên việc điều chỉnh hiện trạng sản xuất theo quy hoạch gặp khó khăn và bất cập; công tác phối hợp giữa các cấp trong việc quản lý giám sát thực hiện quy hoạch còn nhiều yếu kém. Ngoài ra, một số ngành còn phải nhập nguyên liệu về chế biến nên giá trị gia tăng không cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu là yếu tố tiên quyết để phát triển nông việc. Cần tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển thị trường. Điều này vừa có ý nghĩa chiến lược, vừa đảm bảo mục tiêu trước mắt.