Tái cơ cấu mạnh mẽ, hiệu quả

ANTĐ - Kiên quyết cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2001-2010, diễn ra sáng 8-12.

Đổi mới, sắp xếp lại giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, sức cạnh tranh

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa để sau năm 2015, cả nước sẽ chỉ còn 692 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty. Đến năm 2020, cả nước còn 17 tập đoàn 100% vốn Nhà nước, 200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực độc quyền như: an ninh, quốc phòng, công ích... "Chúng ta phải thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực"- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chỉ được kinh doanh những ngành chính, những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho ngành chính; kinh doanh ngoài ngành phải thoái vốn trước năm 2015. Các doanh nghiệp Nhà nước cần tập trung rà soát các dự án trọng điểm và có phương án xử lý các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài.

10 năm qua (2001-2010), cả nước đã sắp xếp được hơn 4.750 doanh nghiệp; trong đó, 3.390 doanh nghiệp được cổ phần hóa; cả nước đã thành lập được 11 tập đoàn kinh tế. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên; 128 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã được thành lập, phần lớn là chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị hạch toán phụ thuộc thành doanh nghiệp và trên cơ sở Ban quản lý các dự án đầu tư...

Đánh giá bước đầu về quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước đã được nâng lên đáng kể; cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng, an ninh và là một trong những công cụ giúp Nhà nước điều tiết vĩ mô. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ lao động kỹ thuật của các công ty Nhà nước được nâng cao; thu nhập người lao động được cải thiện; tổ chức bộ máy doanh nghiệp từng bước kiện toàn.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Viết Muôn - Phó Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước, vẫn còn những doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ, kinh doanh thua lỗ, thất thoát nguồn lực và nảy sinh một số vụ việc tiêu cực.

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, song song với đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, thay đổi cách thức tư duy, quản lý và có những cơ chế thích hợp cho phát triển doanh nghiệp Nhà nước.