Tái cơ cấu để thoát khỏi lệ thuộc

ANTĐ - Xung quanh câu chuyện làm thế nào để nền kinh tế trong nước nhanh chóng giảm bớt sự lệ thuộc vào kinh tế nước ngoài, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. 

Tái cơ cấu để thoát khỏi lệ thuộc ảnh 1


- Hệ quả của việc lệ thuộc kinh tế nước ngoài là gì thưa ông?

- Mấy năm gần đây, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế, cộng với yếu tố nội tại có nhiều bất cập nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là từ khu vực nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế cũng ngày một giảm. Thực tế này đang làm mất đi tính tự chủ của chúng ta. Quá lệ thuộc bên ngoài bằng xuất khẩu mà không dựa vào thị trường trong nước sẽ dẫn đến mất cân đối, mất ổn định. Do đó, đây là lúc chúng ta cần tạo điều kiện cho toàn bộ nền kinh tế phát triển.

- Nhiều ĐBQH yêu cầu giảm lệ thuộc kinh tế nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, phải làm gì để đạt được mục tiêu này?

- Hiện nay, yêu cầu phát huy nội lực để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Mục tiêu đầu tiên là phải nâng cao năng suất lao động và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là yêu cầu có tính khách quan. 

Chúng ta phải tập trung tái cơ cấu, trong đó quan trọng là thể chế, bỏ tất cả những rào cản ảnh hưởng, hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi tổ chức và cá nhân để phát huy được tính năng động, sáng tạo của mọi thành phần kinh tế và chủ thể kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

- Nhập siêu từ Trung Quốc đang rất lớn, chúng ta giải bài toán này như thế nào?

- Để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, giải pháp quan trọng hiện nay vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế. Nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm tới hơn 30% nhưng đồng thời nhập từ Trung Quốc về nhiều máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất như dệt may, da giày... Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu cả những mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất được. Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng ta hoàn toàn có thể chủ động được. Không nhất thiết phải nhập những mặt hàng đơn giản như tăm tre, đũa... Nhập nguyên liệu sản xuất cũng cần cân nhắc, nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường. Tất nhiên, ta cần có thời gian. Bởi thực tế, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có giá khá cạnh tranh. 

Một điểm quan trọng nữa là hàng công nghiệp phụ trợ của chúng ta hiện nay đang kém. Chúng ta sản xuất những mặt hàng mang tính gia công. Doanh nghiệp cứ nhập nguyên liệu, phụ liệu nước ngoài về lắp ráp nên hết sức nguy hiểm. Phải nhanh chóng thay đổi xu hướng này.

Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học trong nước là việc cần làm ngay

- Việt Nam chưa có rào cản kỹ thuật nào nên hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường?

 - Rõ ràng, chúng ta cần sớm nghiên cứu hệ thống hàng rào kỹ thuật. Tất nhiên, khi áp dụng hàng rào kỹ thuật phải nghiên cứu để không ảnh hưởng đến chính chúng ta. Chúng ta có thể đưa ra các hàng rào kỹ thuật từ vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng hàng hóa... Cùng với đó, chúng ta phải thay đổi kết cấu hàng hóa của mình để đảm bảo chuẩn mực.

- Ông dự báo sẽ mất bao lâu để nền kinh tế nước ta tự chủ được?

- Không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề này, chỉ là bây giờ nó trở nên rõ nét hơn. Về mặt nhận thức, chúng ta nắm được vấn đề từ lâu rồi nhưng nó chưa thẩm thấu vào bộ óc của từng cá nhân, tổ chức, người chịu trách nhiệm cụ thể ở từng cấp trong hệ thống chính trị của chúng ta. Thế nên, nếu đồng lòng, quyết tâm, chúng ta sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Khó có thể đặt ra khung thời gian cụ thể cho việc này nhưng nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất cao để cùng hành động thì sẽ tiến nhanh và chắc hơn.     

Quốc hội tập trung vào công tác lập pháp

Ngày 25-5, Văn phòng Quốc hội cho biết, bước sang tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII sẽ dành phần lớn thời gian làm việc cho công tác lập pháp. Trong tuần, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến vào hàng loạt dự án luật như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Dạy nghề; Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)...

Cũng trong tuần này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Về vấn đề này, nhiều ĐBQH đề nghị nên sớm đưa Luật Biểu tình vào chương trình để xem xét, thông qua. Tuy nhiên, cũng có ĐBQH cho rằng, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để trình dự luật này.