Tại buổi công bố giá điện điều chỉnh của EVN: “Chúng tôi không thưởng Tết năm nay”

ANTĐ - Đó là ý kiến của ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi họp báo công bố điều chỉnh giá bán điện chiều 21-12. 

EVN giải thích tăng giá điện để bù đắp chi phí đầu vào

Ảnh: PHÚ KHÁNH

- PV: Mới đây EVN cho biết sản xuất kinh doanh điện năm nay có lãi lớn. Vậy tại sao giá điện vẫn tăng?

- Ông Đinh Quang Tri: Việc tăng giá điện này là theo lộ trình điều chỉnh giá than, khí và tỷ giá. Từ ngày 15-9-2012, giá bán than cho điện tăng từ 20-40% nên riêng quý IV-2012, EVN đã phải chi thêm 900 tỷ đồng cho chênh lệch giá than. Lộ trình điều chỉnh giá than vẫn tiếp tục trong năm 2013 vì giá than bán cho điện hiện vẫn dưới giá thành. Không tăng giá, Nhà nước phải bù lỗ, ngành than không phát triển được, an ninh năng lượng bị ảnh hưởng. Giá điện phải “bước” được thì giá than mới bước được.

Giá khí cũng mới tăng khoảng 35%. Theo lộ trình, từ 1-3-2016 giá khí bao tiêu cứ tự động tăng thêm 2%. Đây là những chi phí đầu vào EVN buộc phải chi. 

- Kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, việc tăng giá điện vào thời điểm này có phù hợp?

- Đứng dưới góc độ người tiêu dùng thì không bao giờ thấy phù hợp vì phải chi tiền. Nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế, EVN hiện mua rồi bán lại là chính, không thể mua cao bán thấp. Hậu quả là không cấp đủ điện. Nếu tiếp tục ép các nhà máy bán giá thấp thì họ sẽ không đầu tư thêm các nhà máy mới nữa, nguy cơ thiếu điện. Chúng ta phải cân nhắc bỏ ra thêm một chút chi phí. Nhiều doanh nghiệp nói với chúng tôi “thà giá điện cao một chút còn hơn bị mất điện 1-2 ngày, sẽ ảnh hưởng lớn hơn”. 

Chúng tôi có trách nhiệm phải báo cáo Chính phủ và người dân trên cơ sở ổn định, mức độ tăng vừa phải. Nếu tính bù lỗ 26.600 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà chia ra phải tăng mấy chục phần trăm, chúng tôi không thể tăng được liền một lúc. Tăng giá thời điểm này vì để sau khi biết các chỉ số cơ bản của nền kinh tế mới điều chỉnh ở mức nhỏ 5%.

- Có thông tin cho rằng, nhiều nhà máy thủy điện có nguy cơ phá sản do bị EVN ép mua rẻ?

- Việc mua điện của các nhà máy thủy điện được thực hiện theo 2 cơ chế. Đối với những nhà máy công suất nhỏ hơn 30MW thì Bộ Công Thương quy định giá trần. Các nhà máy thủy điện này có “mẹo” là tranh thủ phát vào giờ cao điểm để hưởng giá cao. Những nhà máy nào có hồ chứa lớn có thể điều tiết để nâng giá bình quân để có lãi. Tuy nhiên không phải nhà máy nào cũng làm được.

Các nhà máy thủy điện công suất trên 30MW thì đàm phán hợp đồng mua điện trực tiếp theo đúng Thông tư 41 của Bộ Công Thương theo chi phí vốn, chi phí vận hành và tính ra giá điện, có tính cả phần lợi nhuận. Những nhà máy này không phá sản, chỉ là lợi nhuận cao hay thấp. Có những trường hợp vay ngân hàng lãi suất quá cao, 25-27%/năm thì lỗ do khách quan. EVN không ép, chỉ tính giá theo quy định. Khi đã tham gia thị trường thì các nhà máy điện phải tự chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.

- Giá điện Việt Nam so với thế giới hiện như thế nào? 

- Giá điện Việt Nam so với giá thế giới vẫn “rất đẹp”, hiện mới có gần 7 cent/kWh. Trong khi đó, Thái Lan hơn 9 cent/KWh, 4 tháng điều chỉnh 1 lần; Singapore hơn 20 cent/khW mỗi quý điều chỉnh giá một lần trên cơ sở phí phát và phí truyền tải ra giá bán lẻ. Philippines 27 - 28 cent/kWh, điều chỉnh giá hàng tháng, đơn vị bán điện được tự quyết định giá, Ủy ban điều tiết điện lực kiểm tra, nếu sai phạt rất nặng.

- Kinh doanh năm 2012 có lãi, EVN sẽ thưởng tết như thế nào? 

- Chúng tôi không có kế hoạch thưởng Tết năm nay. Vì thưởng phải có trích quỹ, mà quỹ hiện đang bù lỗ. Có chăng chúng tôi tìm cách ứng lương trước. 

- Hiện nay, số khách hàng sử dụng trên 400kWh/tháng rất nhiều, tại sao EVN chưa tính thêm một bậc thang nữa cho các đối tượng này? EVN có bao giờ tính toán tác động đến doanh nghiệp không?

- Số người dùng trên 400kWh nhiều đã tăng khá rồi, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét trong những đợt tới. Còn về tính toán tác động đến doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp sử dụng điện khác nhau. Bản thân các doanh nghiệp phải tự tính, chúng tôi không thể tính thay được. Nếu công nghệ cao thì chi phí thấp, công nghệ lạc hậu thì chi phí cao. Sẽ có ý kiến cho rằng GDP của Việt Nam thấp mà giá điện lại so với các nước GDP cao? Điện là sản phẩm quốc tế, 85% dự án vay vốn nước ngoài, thiết bị nhập khẩu gần 100% từ nước ngoài, dầu nhập khẩu, sắp tới giá than bằng giá quốc tế, giá khí tính bằng USD nên chúng tôi phải tính toán như vậy.

“Chúng tôi đã tính toán, việc tăng giá điện lần này sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,12%. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương kiểm tra việc chống lạm dụng tăng giá điện, kiểm tra giá điện tại các nhà trọ... ” - ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).

Tin cùng chuyên mục