Tái bản sách kinh điển: Làm tử tế để giữ gìn vốn quý văn học nước nhà

ANTĐ - Trong nỗ lực nhằm khôi phục những vốn quý của nền văn chương, nhiều nhà xuất bản trong cả nước chọn lựa phương án tái bản, in lại những đầu sách có thể coi là kinh điển bên cạnh những ấn phẩm hiện hành. 
Tái bản sách kinh điển: Làm tử tế để giữ gìn vốn quý văn học nước nhà ảnh 1

“Bình mới rượu cũ”

Nhã Nam có thể nói là đơn vị hăng hái nhất trong việc đưa những đầu sách “vang bóng một thời” đến với công chúng. Bộ “Việt Nam danh tác” được khởi thủy từ tháng 6-2014 với nhiều đầu sách tên tuổi như Gió đầu mùa (Thạch Lam), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Lều chõng (Ngô Tất Tố)…  và cho đến nay vẫn tiếp tục cho ra những ấn phẩm mới mà gần đây là Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Nắng trong vườn (Thạch Lam), Anh phải sống (Khái Hưng – Nhất Linh)…

Không chỉ tìm lại những tác phẩm đi cùng năm tháng,  Nhã Nam còn rất chú trọng vào việc đầu tư vào diện mạo cuốn sách, nên ngoài chất lượng nội dung đã được thẩm định, khi cầm bất cứ cuốn sách nào trong bộ “Việt Nam danh tác” thì độc giả cũng có cảm giác rất “đã” vì bìa sách được thiết kế đẹp, truyền tải ý tưởng, thần thái của cuốn sách.  

Cùng với Nhã Nam, xu hướng “bình mới rượu cũ” cũng được các đơn vị làm sách lưu tâm. Nhà xuất bản Trẻ gần đây cũng chịu khó khai thác những tác phẩm văn học gắn bó những tác giả tiêu biểu như học giả Nguyễn Đổng Chi (Túp lều nát, Gặp lại một người bạn nhỏ), Dương Hướng với Bến không chồng… Nhà xuất bản Kim Đồng mới đây cho ra mắt một loạt ấn phẩm của các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong đó có 2 tác phẩm bất hủ của ông là Đêm hội Long Trì và kịch Vũ Như Tô. Mặc dù số lượng đầu sách tên tuổi được tái bản nhìn chung không thực sự nhiều so với sách mới, tuy nhiên việc in lại những đầu sách tên tuổi cũng là một tín hiệu khá tích cực của thị trường sách. 

Tái bản sách, khó hay dễ? 

Bà Phùng Hồng Minh – đại diện Công ty sách Nhã Nam cho biết, để thực hiện bộ “Việt Nam danh tác”, Nhã Nam đã đề ra những tiêu chí rất cụ thể, trong đó có việc lựa chọn các tên tuổi tiêu biểu của giai đoạn văn học 1930 – 1945, những sáng tác mẫu mực trong thể loại, chiếm được cảm tình của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Đồng thời, đây phải là những cuốn sách mang nhiều yếu tố của những tác phẩm kinh điển và thể hiện giá trị nhân văn. Tuy nhiên, sự đón nhận của độc giả đối với những cuốn sách tái bản như thế nào lại là câu chuyện nằm ngoài sự tiên liệu của các nhà xuất bản. 

Nếu nhìn vào thực tế, những cuốn sách tái bản, kể cả hàng sách kinh điển thường khó chen chân vào top những đầu sách bán chạy nhất. Điều này cũng  dễ hiểu khi độc giả hoàn toàn có thể tìm được những đầu sách kinh điển trên mạng hoặc các nhà sách cũ. Hơn thế nữa, độc giả cũng chưa chắc đã chịu bỏ ra một khoản tiền để mua lại một cuốn sách được tân trang đẹp đẽ mà mình từng yêu thích.

Bởi thế, việc in lại các ấn phẩm cũ dù làm phong phú thêm đầu sách trong xu thế cạnh tranh với thị trường, nhưng đánh giá một cách khách quan, nó cũng cho thấy một thực trạng buồn, đó là sự thiếu vắng các tác phẩm xuất sắc. “Đỏ mắt” mà vẫn không tìm được tác phẩm hay, những người làm sách vẫn phải chọn một giải pháp là bày lại những “món ăn cũ” lên bàn tiệc của những người yêu sách. 

Những năm trở lại đây, NXB Kim Đồng cũng không tìm thêm một cuốn sách nào xuất sắc ở địa hạt sách thiếu nhi để thay thế những tác phẩm đã nổi danh từ cả nửa thế kỷ trước của những tác giả như Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Tô Hoài…. Những Dế Mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam… vẫn được in đi in lại để các bậc phụ huynh tìm mua về cho con em mình đọc, để chúng biết thời đại của ông bà, cha mẹ chúng đã sản sinh ra những tác phẩm xuất sắc đến thế.

Mặc dù vậy, việc in lại dòng sách kinh điển của các nhà xuất bản được cho là rất đáng hoan nghênh. Nó cho thấy nỗ lực trong việc đào sâu thêm những tầng văn hóa, góp phần khôi phục diện mạo của nền văn học nước nhà,  nhất là trong xu thế bão hòa của thị trường sách, với sự đổ bộ của ngày càng nhiều những dòng sách ngoại lai.