Tác nghiệp tại hiện trường vụ thảm sát hiệu vàng

ANTĐ - Đối với đội ngũ những người làm báo, ngày 21-6 vô cùng đặc biệt. Ngày để nhớ lại những kỷ niệm cũng như tự nhắc nhở mình cần phải hoàn thiện bản thân theo đúng tinh thần:“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Dù mới chỉ có chưa đầy 10 năm làm PV Nội chính, song, cũng có không ít kỷ niệm vui buồn, đáng nhớ và thậm chí là giật mình mỗi khi nghĩ về chuyện tác nghiệp. 

Phóng viên ANTĐ  tác nghiệp trong vụ cướp hiệu vàng do hung thủ Lê Văn Luyện  gây án

Tin sốc đầu giờ sáng

Dù đã qua 3 năm, song đến giờ, tôi và đồng nghiệp Nguyễn Đức Tuấn vẫn không thể nào quên được những ngày lăn lộn cùng các trinh sát Công an tỉnh Bắc Giang dõi theo từng bước tiến của chuyên án điều tra, bắt giữ sát thủ Lê Văn Luyện. Vụ thảm sát xảy ra vào rạng sáng 24-8-2011. Buổi sáng hôm đó, vừa thức dậy thì chuông điện thoại réo vang. Ở đầu dây bên kia là giọng của CTV đang công tác tại Công an tỉnh Bắc Giang, thông tin tóm tắt trên địa bàn xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Những thông tin ngắn gọn ban đầu về các nạn nhân, hiện trường đã khiến chúng tôi vô cùng sửng sốt và căm phẫn về hành vi mất nhân tính của kẻ thủ ác. Ngay sau đó, thông tin ban đầu đã được chúng tôi xử lý; và có lẽ là một trong những tin bài sớm nhất, chi tiết nhất về vụ án mạng khi đó.

Theo chỉ đạo của Ban Biên tập, ngay trong ngày, tôi và PV Đức Tuấn đã “phi” về Bắc Giang. Do gấp gáp cũng như chưa biết diễn biến điều tra vụ án sẽ thế nào, nên cả tôi và PV Đức Tuấn chỉ kịp vơ vội 2 chiếc máy tính xách tay, máy ảnh và máy quay phim. Chiếc xe tải nhỏ thường dùng để chở báo của cơ quan được chúng tôi “trưng dụng” làm phương tiện lên đường. 

“Nắng tháng 8 rám trái bòng”, câu nói này chẳng sai khi nhiệt độ ngoài trời hôm ấy lúc nào cũng khoảng 39-40 độ C. Chiếc xe tải chỉ có 2 chỗ ngồi, không điều hòa; khi đến đường dẫn lên cầu Thanh Trì, tự dưng khựng lại. Khói bốc lên từ ca bin. Thời điểm đó, trên địa bàn cả nước xảy ra liên tiếp các vụ cháy xe ô tô nên chúng tôi tá hỏa. Hai anh em chỉ kịp cầm chai nước rồi mở cửa nhảy vội xuống. Là một PV khá gan góc, đồng nghiệp Đức Tuấn chui tọt xuống gầm xe kiểm tra. Còn tôi cứ lấy chai nước đổ ào ào vào những chỗ nào có khói bốc lên. Qua nhiều cuộc điện thoại hỏi han về sự cố, chúng tôi được một đồng nghiệp hướng dẫn cách xử lý. Sự cố nhỏ tuy không ảnh hưởng đến sự an toàn của chiếc xe song đã khiến chúng tôi chậm mất gần 1 giờ đồng hồ theo như dự kiến.

Để chống nóng, cả tôi và Đức Tuấn đều “diện” đúng quần đùi. Áo quấn lên đầu để tránh cái nóng phả ra từ thành xe. Gần 100km từ Hà Nội đến thị trấn Sàn, Lục Ngạn, Bắc Giang, mồ hôi chúng tôi ướt đầm như tắm. Chiếc áo dùng để quấn đầu cũng ướt sũng. Trên suốt quãng đường đi, nhiều tuyến đường còn đang trong giai đoạn thi công, trải nhựa đường càng khiến cho cái nóng như nhân lên gấp bội. Tuy nhiên khi đến hiện trường, ám ảnh hơn cả là tâm lý hoảng sợ, bức xúc của tất cả người dân thị trấn Sàn. Do tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên mặc dù là PV “trong nhà” song chúng tôi cũng chỉ được phép tác nghiệp ở bên ngoài khu vực hiện trường vụ án. Đã phân công từ trước, PV Đức Tuấn chụp ảnh, quay phim còn tôi tìm hiểu thông tin và ngồi ở ven đường soạn luôn tin bài chuyển về tòa soạn. Nhìn những bức hình hiện trường PV Đức Tuấn dùng ống “tê lê” chụp từ xa, trong lúc gấp gáp đánh máy, tôi cũng không thể ngăn được những dòng nước mắt, thương xót cho số phận của các nạn nhân. Nhiều khi thấy tôi không ngăn được cảm xúc, PV Đức Tuấn đã phải hoán đổi nhiệm vụ cho tôi, thay nhau viết bài, thu thập tin tức để kịp thời hoàn tất bài cho số báo ra hôm sau.

Cạnh tranh thông tin quyết liệt

Trong suốt quãng thời gian 7 ngày Lê Văn Luyện chạy trốn cũng là khoảng thời gian tôi và PV Đức Tuấn gần như “ăn chực nằm chờ” ở gần cổng Công an tỉnh Bắc Giang. Trong đầu lúc nào cũng hiện lên tên đối tượng, các giả thuyết, nghi vấn…. nhiều đến mức ám ảnh cả trong giấc ngủ. Chẳng thể nhớ hết trong ngày có bao nhiêu lần chúng tôi di chuyển từ hiện trường vụ án, tìm hiểu qua hàng xóm, nhân chứng cũng như kết nối với các thành viên trong Ban chuyên án, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang để có được thông tin chính xác, nóng hổi nhất chuyển tới bạn đọc. 

Vụ án cũng thu hút rất đông các phóng viên nội chính của nhiều cơ quan báo chí trên cả nước đến hiện trường đưa tin. Đối với cánh phóng viên, mặc dù đã tham gia đưa tin nhiều vụ trọng án, song “vụ Lê Văn Luyện” đã thể hiện được sức nóng quyết liệt trong việc cạnh tranh thông tin. Bình thường, đa phần phóng viên đều có mối quan hệ thân thiết với nhau. Song khi đã vào việc, gần như mỗi người đều cố gắng giữ độc quyền tối đa thông tin. Thậm chí, quán cà phê ngay sát cổng trụ sở Công an tỉnh Bắc Giang, được anh em phóng viên chọn là điểm tập kết khi ngồi gõ bài, mọi người cũng… canh chừng nhau, không để người khác nhìn vào màn hình máy tính của mình (!). 

Sau 4 ngày vụ án xảy ra, chúng tôi nhận được một tin nhắn từ “bên trong”, chỉ vẻn vẹn mấy câu: “Xã Thanh Lâm, Lục Ngạn”. Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến chúng tôi mừng rơi nước mắt khi biết rằng, hung thủ trong vụ án chắc chắn đã được Ban chuyên án xác định và truy bắt. Ngay lập tức, chúng tôi chạy thẳng xuống địa danh này. Cũng trong buổi chiều này, các đồng chí chỉ huy cao nhất của Ban chuyên án cũng xuống xã Thanh Lâm. Tuy không tiếp cận được với các thành viên trong đoàn công tác, song với sự chủ động, chúng tôi đã xác định được căn nhà hung thủ cũng như nơi Lê Văn Luyện cất giấu vàng trước khi bỏ trốn. Ngay lúc đó, những thông tin về đối tượng  Lê Văn Luyện cũng như số tang vật… đã được chúng tôi “đẩy” ngay lên báo điện tử. Khi tin được đưa lên, máy điện thoại của chúng tôi nóng ran, bởi hàng trăm cuộc gọi xác minh, xin dẫn lại thông tin và ảnh từ phía các đồng nghiệp. 

Sự cạnh tranh thông tin giữa các phóng viên, cơ quan báo chí trong vụ án này còn kéo dài cho đến hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử Lê Văn Luyện và các bị cáo có liên quan. Những bài học này dù ít nhiều đã được thẩm thấu từ khi học trong trường, song khi vào thực tế công việc, mới thấy còn quá nhiều để những PV trẻ như chúng tôi phải luôn không ngừng bồi đắp kiến thức, kỹ năng tác nghiệp cũng như bản lĩnh nghề, để có được những tác phẩm báo chí tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục