Tác hại của lạm dụng thói quen có lợi

ANTĐ - Những việc có lợi cho sức khỏe có phải càng làm nhiều càng tốt? Không hẳn vậy, những thói quen tưởng là tốt nếu bị lạm dụng có thể gây hại cho cơ thể, như 5 trường hợp phổ biến dưới đây.

Tác hại của lạm dụng thói quen có lợi ảnh 1

Rửa tay

Rửa tay quá 5 lần một ngày có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm vấn đề về da đối với những người có da tay nhạy cảm. Dùng xà phòng thường xuyên có thể lấy đi các loại dầu tự nhiên cần thiết trong việc duy trì độ ẩm của da và ngăn ngừa vi khuẩn khiến da có thể bị đỏ, đau và viêm. Đây là những dấu hiệu của bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng và chàm da tay. Do đó, chỉ nên rửa tay từ 3-5 lần mỗi ngày và chọn xà phòng có chất tẩy rửa nhẹ.

Đánh răng

Giáo sư Patrick Tseng, chuyên gia nha khoa tại Bộ Y tế Singapore cho biết, theo một nghiên cứu của hãng Sensodyne năm 2010, răng nhạy cảm là chứng bệnh chiếm tới 50% dân số nước này. Đánh răng quá nhiều có thể làm xói mòn lớp men ngoài cùng của răng, làm lộ lớp giữa và các dây thần kinh bên trong. Người bệnh thường cảm thấy nhói đau, đặc biệt là sau khi sử dụng thực phẩm và đồ uống nóng hoặc lạnh. Để duy trì sức khỏe răng miệng tốt, nên chải răng 2 hoặc 3 lần một ngày trong khoảng 3 phút mỗi lần và làm thật nhẹ nhàng với bàn chải đánh răng mềm. “Một số người nghĩ rằng dùng lực mạnh hơn thì răng sẽ sạch hơn, nhưng không phải”, Giáo sư Tseng cho biết thêm. Ngoài ra, những người có hàm răng nhạy cảm cũng nên tránh loại kem làm trắng răng bởi nó sẽ làm mòn men răng. Cuối cùng, thay vì đánh răng ngay sau bữa ăn, chờ ít nhất 30 phút để răng lấy lại độ cứng do axit trong thức ăn đã làm suy yếu tạm thời lớp bảo vệ răng.

Uống nước

Khi uống quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn (hơn 1 lít nước 1 giờ), hàm lượng natri trong cơ thể bắt đầu bị pha loãng khiến các tế bào, bao gồm cả tế bào não sưng lên. Điều này có thể dẫn tới các triệu chứng như buồn nôn, rối loạn, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Mọi người thường lo đến tình trạng mất nước mà ít chú ý đến hạ natri trong máu hay còn gọi là nhiễm độc nước. Hiện tượng này hay gặp ở những người chạy bền hoặc tập luyện quá 4 tiếng liên tục vì họ có xu hướng uống rất nhiều nước để bù lượng mồ hôi đổ ra. Trong trường hợp này, không nên uống quá 250ml chất lỏng trong vòng 30 phút liên tục trong hơn 4 tiếng vì nếu không, hiện tượng hạ natri máu rất dễ xảy ra.

“Tín đồ” rau xanh

Chất xơ thúc đẩy nhu động ruột nhưng khi tiêu thụ quá nhiều (hơn 50g mỗi ngày), nó có thể làm trầm trọng thêm chứng táo bón, hội chứng ruột kích thích (IBS) và đầy hơi. Các chuyên gia ví rằng thân, lá rau hay vỏ múi cam giống như sợi tóc. Nếu đang bị táo bón, dùng quá nhiều chất xơ thực vật không hòa tan kiểu đó không khác nào đẩy thêm tóc vào chiếc cống đã bị tắc. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu của tắc ruột. 

Một cách đơn giản để giảm táo bón là cân bằng giữa nước và chất xơ, cụ thể 2 lít nước mỗi ngày, cùng với 20 đến 30g chất xơ, vì nước giúp phân mềm ra, tiêu hóa tốt hơn.

Chạy bộ đường dài

Thói quen vận động thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim và huyết áp cao, nhưng vận động quá nhiều lại gây ra rắc rối cho sức khỏe. Một nghiên cứu của Singapore cho thấy, 15-20% số phụ nữ chơi thể thao ít nhất một lần một tuần có biểu hiện bệnh thoái hóa khớp đầu gối. Theo một cuộc khảo sát về đau đầu gối của công ty dược phẩm Sanofi, 73% người dân Singapore có nguy cơ viêm xương khớp đầu gối, mà yếu tố nguy cơ hàng đầu là các môn thể thao vận động mạnh, bao gồm cả chạy. Vì vậy, kỹ thuật đúng của những người chạy bộ đường dài là tăng dần cường độ và kết hợp nghỉ ngơi, đồng thời phải điều tiết cường độ vì đau cũng là tín hiệu để dừng lại đúng lúc trước khi bị tổn thương thêm.