Tác giả "Thiếu nữ bên hoa huệ" lần đầu có tranh đạt giá triệu đô

ANTD.VN - Bức "Vỡ mộng" trên chất liệu lụa của danh họa Tô Ngọc Vân đã được bán với giá 1,1 triệu USD (27 tỷ đồng) tại phiên đấu giá của nhà Christie’s Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 26/5/2019. Dù là một danh họa nổi tiếng của Việt Nam nhưng đây là tác phẩm đầu tiên của Tô Ngọc Vân chạm giá triệu đô trên sàn đấu giá quốc tế. 

Tô Ngọc Vân nổi tiếng với các tác phẩm vẽ bằng chất liệu sơn dầu như: Thiếu nữ bên hoa sen, Hai thiếu nữ và em bé (1944), Buổi trưa (1936), Bên hoa nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Thiếu nữ bên hoa huệ.
Việc xuất hiện tác phẩm tranh lụa của Tô Ngọc Vân được coi là điều hiếm hoi. Và đó có phải là lý do khiến cho giá trị của bức tranh được nâng tầm 400% tại phiên đấu giá vừa qua? 

Theo Tiến sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, dù không được đánh giá cao về tạo hình và bố cục, song sáng tác này đã có giá triệu đô là bởi, Tô Ngọc Vân là một tên tuổi của làng mỹ thuật, nằm trong bộ tứ "Trí - Lân - Vân - Cẩn”.

Bức "Vỡ mộng" của Tô Ngọc Vân

Bên cạnh đó, tranh lụa của ông hiếm hơn sơn dầu và  đa số đã được bán trước năm 1945. Nên nếu ai bảo quản tốt, rõ ràng về xuất xứ, thì ngày nay sẽ càng thu hút.

Đồng thời, cơn sốt đầu tư vào tranh Đông Dương đang lên nhanh, các đại gia Việt Nam đang có xu hướng đầu tư vào tranh Đông Dương để nhanh quay vòng vốn, thay vì thị trường bất động sản đang chững lại và nhiều lùm xùm.

Dù tranh Đông Dương có tiếng xấu là nhiều tranh giả, khó xác minh, nhưng hiện nay Việt Nam chưa có khả năng kiểm định tốt, đủ uy tín, nên các nhà buôn tranh không sợ lỗ, vẫn tìm được khách hàng, xác suất bán lại thu lời vẫn cao”.

Còn nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sỹ Nam Sơn lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng, tranh lụa là một nghệ thuật rất đặc biệt của dòng tranh Việt Nam, nhất là tranh thời kỳ Đông Dương. Giá trị của tranh lụa Việt Nam đang ngày càng lũy tiến theo thời gian.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi còn nhận xét về bức "Vỡ mộng" được đánh giá cao ở màu sắc  rất dịu dàng và trong trẻo. Những sợi tơ lụa như dệt lên gương mặt của người mẫu, làn da mỏng manh mộng tàn. Ngay cả dáng dấp của người mẫu cũng mảnh mai yếu đuối, như mời gọi sự nâng niu...

Kiệt tác hội họa "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân

"Tuy rằng chủ đề hơi buồn, nhưng nhìn vào tranh người ta thấy thần thái tranh Việt, với kỹ thuật và nét bút đặc thù của nó”, ông Ngô Kim Khôi nói. 

Danh họa Tô Ngọc Vân (1908-1954) được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông còn được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).

Ngay từ những năm học trong trường mỹ thuật, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu. Ông đã viết những dòng tự sự: "ngay từ lúc đi học đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới".

Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của duyên dáng người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân mất ngày 17 tháng 6 năm 1954 tại Km 41, Ba Khe, bên kia Đèo Lũng Lô, do bom của máy bay Pháp, gần sát chiến trường Điện Biên Phủ. Ông được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và phần mộ hiện an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.