Tác giả Mai Lâm: Đi để chờ ngày về

ANTĐ - Với tác giả Mai Lâm, yêu quê hương không phải thứ gì quá to tát mà đơn thuần là yêu một cái máy nước ở nơi ông sống, yêu cái vỉa hè ông từng đi qua... Nhưng chính vì ở xa quê hương, nghĩ về quê hương mà chưa thể trở về nên sau âm nhạc, ông nhờ văn chương thổ lộ tình yêu ấy.

Tác giả Mai Lâm: Đi để chờ ngày về ảnh 1

Yêu bạn quá nên định không lấy vợ

Mai Lâm không phải là tên tuổi xa lạ trong làng nhạc nhưng với văn học ông đích thị là một người mới. Phải đến năm 2014, người đọc mới biết đến ông với “Từ xa Hà Nội”. Thấm thoát đã 3 năm, người ta thấy ông đều đặn mỗi năm ra một cuốn.

Theo lời “ông” bạn thân - nhà văn Nguyễn Văn Thọ tiết lộ thì “Mai Lâm tiện gì ghi nấy, thấy nhớ ai, cái gì thì bấm choanh choách vào chiếc điện thoại iPhone rồi bắn lên mạng”. Ông chỉ viết cái gì của mình, thật trong đời sống xung quanh mình, chẳng có gì ghê gớm cả. Người ta đi viết chân dung người nổi tiếng thì ông chỉ viết về người bạn bè thân quen của mình. Đôi khi người ta lại thấy ông “núp” trong một nhân vật nào đó mà kể về mình.

Nói thế có vẻ như chuyện viết sách đối với một nhạc sỹ như Mai Lâm dễ dàng quá. Nhưng không, ông cũng là người rất kỹ tính, thậm chí kỹ đến độ, nửa đêm gọi điện cho Nhà xuất bản để sửa đúng 1 từ trong cuốn sách vì sợ người đọc hiểu lầm.

Ông có thói quen thấy sự việc gì đáng viết là lập tức lôi máy ra gõ lại. Còn nếu đã qua mà chưa kịp ghi lại, thì bỏ đi, không bao giờ đả động đến nó nữa. Nói như ông thì vì “tôi đã không còn là tôi của khoảnh khắc ấy nữa”. 

Mai Lâm là người nổi tiếng nhiều bạn và được bạn bè yêu quý. Ngày ông ra mắt sách, toàn là những tên tuổi có tiếng đến chúc mừng, nào là Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến…

Tác giả tiểu thuyết “Quyên” chia sẻ đã từng bỏ nhà đúng hôm 29 Tết để đến uống cùng Mai Lâm một ly cà phê đắng ở vỉa hè, ngắm những người quét rác cuối cùng rời Hà Nội về quê ăn Tết. Chẳng biết nói thật hay nói đùa, Mai Lâm chia sẻ “vì yêu bạn quá nên từng không định lấy vợ”. 

Tác giả Mai Lâm: Đi để chờ ngày về ảnh 2

Cuốn sách thứ ba của nhà văn Mai Lâm “Chỉ còn tuyết trắng”

Tủi thân trên đất khách

Sang Đức từ năm 1987 nhưng Mai Lâm tự nhận chưa bao giờ mình hoàn toàn hòa nhập với nơi đây. Ông không giấu việc không muốn nhập quốc tịch Đức mặc dù điều này có thể khiến cho cuộc sống ông dễ dàng hơn, mà đơn giản chỉ nghĩ mình là “thằng tóc đen, da vàng”, thấy làm sao cũng không thể giống họ được.

Những năm 1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông giống như nhiều người ngoại quốc khác trở thành những người “ở giữa”, không thuộc quốc gia nào.

Cũng chính vì vậy, những người như ông đương nhiên được hưởng nguồn trợ cấp của Chính phủ. Nhiều người coi đó là đặc ân, còn ông nhất quyết đi làm với mức lương thấp còn hơn là “ăn không, ở nhờ”.

Lý do đơn giản là ông thấy không thể chấp nhận nổi sự không công bằng vốn dĩ rất hợp lý ấy. Nếu đọc cuốn “Chỉ còn tuyết trắng”, độc giả có thể thấy gã nhạc sỹ 39, 40 tuổi kể chuyện đi rửa bát, cắt cỏ, rồi giao pizza, thậm chí sửa quần áo đỡ vợ.

Hỏi ông có chạnh lòng không, vì từng là sinh viên trường nhạc, được đào tạo bài bản, có bằng cấp hẳn hoi, giờ bươn chải kiếm từng đồng thì ông đáp: “Cũng tủi thân chứ”. Nhất là khi bị một người ngoại quốc mắng mỏ, chì chiết thì lòng tự tôn dân tộc lại trỗi dậy, cũng thấy ấm ức, bực bội, buồn bã. 

Sống lưu lạc bên xứ người ngót nghét 30 năm, nhiều lúc Mai Lâm muốn về lại Hà Nội. Ông nói đây là một “ước mơ” nhưng nghĩ đến khi về phải có một cái gì, chí ít phải có một căn nhà để ở ông lại thấy ước mơ ấy dường như lại xa thêm một chút.

Đi đi về về giữa hai miền đất nhưng bất cứ khi nào ngồi trên máy bay, chuẩn bị hạ cánh xuống Hà Nội, ông lại cảm thấy hồi hộp, thấy tim mình lạc đi một nhịp.

Dường như cảm thấy chạm vào một cái gì đó, ông nói: “Không phải riêng tôi đâu, người Việt Nam ai chẳng thế. Cứ ra ngồi sân bay là thấy chán rồi. Vì có cảm giác đi để chờ ngày về”.