Tác giả Huy Hải: "Không có gì sai nếu thỉnh thoảng cô đơn"

ANTĐ - Những người trẻ yêu thơ và hay tìm đọc thơ trên “Mạng xã hội văn học” chắc không xa lạ gì với cây bút Huy Hải. Thơ Huy Hải là những “nỗi buồn gần gũi”, mà trong xã hội hôm nay, người trẻ nào cũng đã từng trải qua. 

Thơ buồn nhưng không tuyệt vọng

Huy Hải bắt đầu từ những bài thơ không tiêu đề trên “Mạng xã hội văn học” - cộng đồng cây bút trẻ tài năng với hơn 1 triệu người theo dõi, cái tên Huy Hải đã dần dần được người yêu thơ chú ý và có lượng người hâm mộ đông đảo, dù chưa từng đứng tên bất cứ tập thơ nào. Nếu độc giả đã đọc những vần thơ của Huy Hải, dễ nhận thấy một phong cách rất riêng. Không đi theo lối cầu kỳ, thơ Huy Hải nhận được nhiều sự đồng cảm, bởi thơ tưởng như viết cho tác giả, nhưng khi đọc, ai cũng thấy được một phần của mình trong đó.

Thơ Huy Hải thường buồn, nhiều độc giả nói vậy. Nỗi buồn đối với cây bút này như là một cung bậc cảm xúc đặc biệt. Nói như Huy Hải thì nỗi buồn rất đa dạng, dễ “truyền nhiễm” và dễ khắc sâu vào tâm trí người đọc. Có thể nói, cái buồn trong thơ Huy Hải là cái buồn khá dễ chịu, vì nó được viết ra một cách rất tự nhiên, không gượng ép. Viết về nỗi buồn nhưng thơ Huy Hải không quá “tối” hay u uất. Buồn đấy, tuyệt vọng đấy, nhưng sau cùng thì “sông vẫn chảy, nắng vẫn trên vai, mây trên đầu và ngày mai ở phía trước”. Cách thể hiện trong thơ cũng khá mềm mại, nhiều ẩn ý, “Người ta thường nói về những dòng sông/dù lối đi gập ghềnh nhưng luôn hướng lòng ra biển cả/người ta cũng thường nói về những ngày nắng hạ/khi đang vùi mình trong lạnh giá của mùa đông”. 

Đã có độc giả đùa, càng đọc thơ Huy Hải thì càng thấy cô đơn. Lỡ “gieo rắc” nỗi cô đơn, nên từ lúc viết thơ và đăng lên các trang mạng xã hội, Huy Hải bất đắc dĩ nhận được tin nhắn hỏi han, tâm sự của những bạn bè đồng trang lứa. Từng lắng nghe nhiều lời tâm tình, từng lấy nỗi buồn của người khác vào thơ của mình, Huy Hải cho rằng, “không có gì sai trái nếu thỉnh thoảng cảm thấy cô đơn”. Nhất là đối với người trẻ, hơn nữa là một người trẻ sống xa nhà và thường xuyên đối mặt với những khoảng trống như Huy Hải, nỗi cô đơn lại càng là một thứ gì đó quá quen thuộc.

Tranh minh họa thơ Huy Hải, sáng tác Eric Nguyễn

Mong có đứa con tinh thần thơm mùi giấy

Là nhà thơ khá trẻ thuộc thế hệ 9X, Nguyễn Huy Hải hiện đang theo học ngành kinh doanh quốc tế ở trường USC, tiểu bang South Carolina, Mỹ. Hải cho biết, công việc hiện tại cũng không liên quan đến thơ, chỉ là khi nào  muốn viết thì sẽ tạo cho mình một không gian yên tĩnh với âm nhạc để sáng tác. Thực tế, những người viết thơ thường là những người có tâm hồn đẹp. Nhà thơ được “đồn” là những người khá bay bổng, lãng mạn và nhìn chỗ nào cũng… ra thơ. Còn Huy Hải không cho mình như vậy. Cây bút này cho biết: “Tôi hay đọc thơ của những người viết trẻ như Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Phong Việt, Trần Việt Anh… và thấy tự dưng thèm một cuộc đời nên thơ như thế. Trong khi thật ra tôi sống khá bận rộn và thực tế”.

Bắt đầu viết thơ “chuyền tay” lúc đang còn là học sinh cấp 3, chỉ sau khi được cộng tác với “Mạng xã hội văn học” một thời gian khá dài, Huy Hải bắt đầu viết nghiêm túc hơn. Còn trước đó, Huy Hải viết khá nhiều và tùy hứng. Sở hữu trong tay số lượng bài thơ khá lớn và có một lượng độc giả đông đảo trên “Mạng xã hội văn học”, tuy nhiên Huy Hải không bao giờ cho mình là một nhà thơ. Cây bút sinh năm 1991 khiêm tốn cho rằng, mình chỉ đơn giản là một người viết, người tâm sự và là một người đọc. Lối viết của Huy Hải ảnh hưởng khá đa dạng bởi văn học Âu Mỹ, từ những tác giả mà cây bút này yêu thích như Marc Levy, Lang Leav, Nicholas Sparks, John Green… Còn ở trong nước, Huy Hải lại là một “fan” của nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân. 

Huy Hải muốn có một “đứa con tinh thần thơm mùi giấy mới” nhưng vì bởi điều kiện chưa cho phép, nên mạng xã hội vẫn là sân chơi chính. Tuy nhiên, cây bút này cũng hé lộ ý định tương lai: “Hiện tại tôi đang có một dự án với một họa sĩ rất tài năng ở Việt Nam, hy vọng tác phẩm sớm ra mắt bạn đọc và những người yêu thơ”.