Tác giả bức ảnh nổi tiếng "O du kích nhỏ" qua đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Nhà nhiếp ảnh Phan Thoan, tác giả của bức ảnh nổi tiếng “O du kích nhỏ” - biểu tượng của ý chí quả cảm, tinh thần quyết thắng của dân tộc Việt Nam nhỏ bé trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã qua đời vào sáng ngày 8-12 tại Hà Nội, hưởng thọ 97 tuổi. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan, bút danh Phan Tuất, sinh ngày 11/11/1924 tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông nguyên là cán bộ Ty Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.

Bức ảnh nổi tiếng làm nên tên tuổi của nhiếp ảnh gia Phan Toan là "O du kích nhỏ" được chụp vào ngày 21/9/1965, khi ông đang công tác tại Báo Hà Tĩnh. Đây là thời kỳ không quân Mỹ oanh tạc dữ dội miền Bắc Việt Nam. Bức ảnh đã trở thành nguồn động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Sức mạnh dân tộc của tấm ảnh được miêu tả bằng hình ảnh nữ dân quân bé nhỏ, đầu đội mũ cối, hai tay bồng súng đang hiên ngang áp giải một phi công mỹ to lớn, lầm lũi bước đi trong thế cúi đầu, bị còng tay.

Bức ảnh nổi tiếng "O du kích" của nhà nhiếp ảnh Phan Thoan

Bức ảnh nổi tiếng "O du kích" của nhà nhiếp ảnh Phan Thoan

Hai nhân vật trong bức ảnh là nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai (ngày đó 17 tuổi, trú xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) và phi công Mỹ William Andrew Robinson (22 tuổi). Bà Lai khi đó cao 1,5m, nặng 37 kg, còn viên phi công cao 2,2m, nặng 120kg.

Năm 1966, bức ảnh nói trên được đưa ra trưng bày tại một triển lãm ảnh toàn quốc và đã gây được sự xúc động mạnh mẽ cho người xem. Nhà thơ Tố Hữu, sau khi xem xong bức ảnh đã đề tặng 4 câu thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế! To gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”. Một năm sau đó, bức ảnh được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc và đã được gửi đi 167 nước, trong đó có cả nước Mỹ.

Ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nói về tác phẩm O du kích nhỏ: “Bức ảnh làm mọi người nức lòng. Phan Thoan chụp rất thực. Ông cũng chụp được khoảnh khắc rất đẹp ca ngợi vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Trong những lần trả lời truyền thông, nhà báo Phan Thoan kể, ngày đó ông là phóng viên chiến trường, được giao nhiệm vụ bám sát địa bàn huyện Hương Khê. Khi nhận tin dân quân bắt được giặc lái Mỹ, ông đạp xe hơn 10km, tới chụp bức ảnh trên. Bức ảnh sau đó được đăng trên nhiều tờ báo trong nước và quốc tế.

Nhà nhiếp ảnh Phan Thoan

Nhà nhiếp ảnh Phan Thoan

Một số nhà báo phương Tây do không tìm được bà Lai, nhân vật chính của bức ảnh, nên đã cho rằng đây chỉ là một bức hình dàn dựng. Để đập tan những hoài nghi này, năm 1995, các nhà quay phim Nhật Bản hợp tác cùng Xưởng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã thực hiện một bộ phim tài liệu lấy tên "Cuộc hội ngộ sau 30 năm" xoay quanh nhân vật bà Lai và bức ảnh nổi tiếng. Bộ phim do NSND Lê Mạnh Thích làm đạo diễn và hãng NHK của Nhật Bản tài trợ.

Nhờ dịp này, nhân vật nữ chính trong bức ảnh đã được gặp lại người tù binh của mình năm xưa, ông William Andrew Robinson. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người, Robinson chia sẻ, ông đã định bắn trước nhưng khi nhìn thấy gương mặt trắng trẻo, ngây thơ của người nữ du kích nên đã từ bỏ ý định đó. Bản thân Robinson cũng có ý muốn quay lại Việt Nam gặp chị Lai từ lâu, nhưng do điều kiện khó khăn nên mãi tới khi được hãng NHK tài trợ, ông mới có dịp được gặp người áp giải mình trước kia.

Bức ảnh "O du kích nhỏ" của nhà nhiếp ảnh Phan Thoan là 1 trong những tác phẩm kiệt tác của "Trăm năm kiệt tác nhiếp ảnh Việt Nam". Ông từng nhận Huy chương Vàng ảnh quốc tế tại Bungari năm 1968. Nhà nhiếp ảnh Phan Thoan được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Lễ viếng nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan, tác giả O du kích nhỏ, diễn ra từ 6 giờ 30 - 8 giờ 30 ngày 12/12 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354, Hà Nội. Lễ hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang xã Lâm Trung Thủy, H.Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.