Hiến kế chống ùn tắc giao thông (1):

Tắc đường và chuyện ý thức tham gia giao thông…

ANTĐ - Tiếp tục ý kiến về tình hình giao thông tại Hà Nội, bạn đọc Mai Sỹ Xuân Lâm gửi về Báo An ninh Thủ đô chia sẻ về tắc đường (kẹt xe) và chuyện ý thức tham gia giao thông của người dân. Báo ANTĐ xin giới thiệu ý kiến này, mong nhận được ý kiến phản hồi, trao đổi của bạn đọc và các cơ quan chức năng.
Tắc đường và chuyện ý thức tham gia giao thông…  ảnh 1
Đường Giải Phóng trong giờ cao điểm cũng thông thoáng hơn nhiều (Ảnh: GTVT)

Vào giờ cao điểm, ai cũng muốn được di chuyển nhanh và được ưu tiên. Tại một điểm giao nhau, người A đang qua đường thì bỗng đâu có người B xẹt ngang trước mặt, người A lớn tiếng chỉ trích người B không có ý thức. Vậy người A có ý thức nhường đường cho người B chưa.???

Tôi đã dành nhiều thời gian để ở ngoài thực tế tại các điểm giao thông quan sát vào giờ cao điểm, theo dõi và để ý rất nhiều trường học, đọc nhiều thông tin về ùn tắc giao thông, theo dõi quá trình thực thi đổi giờ của thành phố Hà Nội,..v.v…. Từ đó, tôi dành thêm thời gian để đưa những gì mà tôi quan sát được, thấy được, lắng nghe nhiều ý kiến có được để tôi đưa tất cả vào vòng LOGIC và phân tích. Sau khi phân tích Logic từ rất nhiều dữ liệu mà tôi thu thập được, tôi bắt đầu viết, viết về những giải pháp mà tôi tin rằng khi áp dụng vào thực tế sẽ giảm được ùn tắc bởi từ phân tích Logic mà có.

Cái khó nhất khi tôi viết lên những giải pháp, đó chính là khả năng tài chính của Việt Nam. Thay vì mở rộng đường, thì ta sẽ phân làn ưu tiên theo chiều vào lúc sáng hoặc chiều, giờ cao điểm. Thay vì đèn xanh hiện nay là tác nhân gây xung đột giao thông khi đi thẳng và rẽ trái đan chéo nhau, thì ta cần phải phân biệt rõ ràng giữa các nhánh ngã rẽ, có đèn riêng biệt để không còn bị xung đột lẫn nhau.

Khi bài viết trước đây của tôi được các tòa soạn báo chí biên tập và đăng tải. Tôi thấy rằng có rất nhiều người đồng tình, cũng không ít người không đồng tình, nhưng trong đó tôi thấy nhiều nhất là mọi người đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông. Có lẽ, thói quen đổ lỗi đã ăn sâu vào mỗi người Việt Nam, mà không chấp nhận lỗi do mình gây ra. Khi các bạn tham gia phản biện và cho rằng, ùn tắc giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông kém, vậy các bạn đã bao giờ tham gia giao thông chưa? Khi các bạn có ý thức nhường đường cho người khác thì các bạn có còn bắt lỗi họ nữa không?

Trong tâm lý, khi một người A đang đi trên phố, bỗng đâu người B chạy đến và giựt đồ của người A, người A tri hô và được mọi người hỗ trợ. Khi mọi người rượt đuổi và bắt được người B, người B liền chối không phải B giựt đồ, mà đổ lỗi mọi người bắt nhầm người. Đó là một hành động phủ nhận cái lỗi của B gây ra và đổ lỗi do người khác gây ra! Tương tự, tại một điểm giao nhau, người A đang qua đường thì bỗng đâu có người B xẹt ngang trước mặt, người A lớn tiếng chỉ trích người B không có ý thức. Vậy người A đã có ý thức nhường đường cho người B chưa? Người A chưa phải là người có ý thức nhường đường cho người B. Vì nếu người A có ý thức thì sẽ nhường đường họ một chút cũng không sao. Nếu có ý thức, người A sẽ không đỗ lỗi cho người B. Vì ở một khía cạnh khác, người B cũng có thể sẽ chỉ trích người A là không có ý thức nhường đường.

Thế nên, nếu thật sự là người có ý thức tham gia giao thông, chúng ta sẽ không đổ lỗi cho nhau. Khi chúng ta đổ lỗi cho người khác, tức là ta đã quá xem trọng lợi ích cá nhân của mình. Một ai đó có ý thức nhường đường cho người khác thì họ sẽ không bao giờ chỉ trích người khác không có ý thức khi tham gia giao thông. Đó là một vấn đề rất LOGIC khi khách quan xét trên nhiều mặt, chính vì lẽ đó tôi không cho ý thức của người tham gia giao thông là kém. Mà thực trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông hiện nay là do mật độ giao thông tại một nút giao thông quá dày đặc, xen lẫn các nhánh giao thông bị xung đột đan chéo nhau, cản dòng nhau khi tín hiệu đèn giao thông không được linh hoạt.

Để giảm mật độ tham gia giao thông, như tôi phân tích và đề xuất đó là nhóm các đối tượng mắt xích nhau lại thành một nhóm, phân bổ thời gian đi làm và tan sở lệch giờ với các nhóm đối tượng khác. Ta phải giải tỏa hoàn toàn từng nhóm ít đối tượng trước, rồi mới đến số lượng còn lại, chứ không thể giải quyết cho số đông rồi mới đến số ít, Lấy kẹo trong bình phải lấy số ít trước rồi mới lấy số còn lại. Đồng thời, để các nút giao thông không bị xung đột giữa các nhánh rẽ, ta cần phải đặt vào đó hệ thống đèn tín hiệu phân biệt rõ thời gian nhánh nào được di chuyển để tránh xung đột đan chéo với các nhánh còn lại theo trật tự logic. Mặt khác, đặc điểm của ùn tắc xảy ra là do người tham gia giao thông không biết phía trước có ùn tắc, nên cứ đổ đồn về nơi đang ùn tắc, gây ách tắc nghiêm trọng. Thế nên ta cần thêm một hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo sớm ùn tắc, giúp người tham gia giao thông không còn đổ về điểm đang ùn tắc nữa, mà sẽ chọn nhánh đường khác để di chuyển.