Tắc đường, khó cất cánh

ANTĐ - Tại TP.HCM, tình hình ùn tắc giao thông căng thẳng đến mức, nhiều chuyến bay của các hãng hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất bị chậm chuyến vài chục phút, thậm chí tới hơn 150 phút chỉ vì phải chờ khách bị tắc nghẽn trên đường vào sân bay. Thật là nghịch lý: máy bay không thể cất cánh  vì... tắc đường bộ.

Công tác quản lý đô thị lớn với dân số từ 7 triệu tới gần 10 triệu người như Hà Nội, TP.HCM luôn đặt ra những bài toán hết sức nan giải về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, cung cấp điện, nước, xử lý rác, nước thải... Song, khó tìm ra lời giải nhất chính là bài toán giải quyết ùn tắc giao thông.

Chuyện hãng hàng không thay đổi lịch cất cánh do phải chờ hành khách không còn là “hiện tượng” mới, bởi lẽ tình trạng tắc nghẽn đường vào sân bay Tân Sơn Nhất lúc chiều tối, nhất là sau khi có trận mưa lớn, đã diễn ra không ít lần và ngày càng lặp lại nhiều hơn. Đến nỗi, điều này trở thành nỗi ám ảnh của hàng vạn hành khách, không chỉ bởi họ phải “nằm bẹp” giữa dòng xe cộ chật cứng, mà còn bị lỡ hết công việc làm ăn, kinh doanh, Đó là chưa kể những chuyện hệ trọng khác trong cuộc sống riêng cũng bị đảo lộn vì…tắc đường.

Hành khách khổ sở khi di chuyển đến sân bay là một lẽ, các hãng hàng không cũng như người ngồi trên “đống lửa”. Theo Trung tâm kiểm soát khai thác bay Vietnam Airlines, chỉ một trận mưa chiều tối đầu tháng 11 gây tắc đường, hành khách đến Tân Sơn Nhất muộn đã khiến không ít chuyến bay không thể cất cánh đúng giờ, có chuyến bay chậm cả trăm phút. Việc chậm chuyến bay nếu vẫn diễn đi, diễn lại như vậy, thì thiệt hại về kinh tế, cũng như hệ lụy mà hành khách phải gánh chịu không thể “đong đếm” được. 

Kẹt xe, tắc đường với các chuyến bay trong nước đã khó “thông cảm”, với các chuyến bay quốc tế có tần suất chuyến bay ít hơn, lại càng không thể tiếp diễn. Thật khó giải thích, ngụy biện cho một thực tế trớ trêu, vô lý: tắc đường, khó cất cánh. Thực trạng đáng lo ngại này cũng là nguy cơ đối với cả kinh tế-xã hội, đời sống người dân, chứ không chỉ níu kéo các hãng hàng không cũng như sân bay, nhất lại là khi Hiệp dịnh đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang cận kề.

Việc giải tỏa ùn tắc giao thông những con đường đi tới khu vực sân bay như cấm dừng đỗ xe trên một số tuyến đường, lắp đặt các biển báo hướng dẫn lưu thông, đang được TP.HCM triển khai. Bên cạnh đó, đề xuất làm một loạt cầu vượt dành cho hành khách đi vào sân bay đang được xem xét. Nó cho thấy, để mở đường đi tới sân bay Tân Sơn Nhất, không thể là giải pháp tình thế mà cần những phương án căn cơ, lâu dài hơn như mở rộng, làm thêm đường nhằm giảm áp lực giao thông  tháo gỡ “nút thắt cổ chai”; đồng thời kết nối với các tuyến đường bên ngoài.