Phía sau vụ mất tích "bí ẩn" của các thiếu nữ vùng cao (2):

Tả Văn Chư- xã có nhiều phụ nữ mất tích bí ẩn

ANTĐ - Với “trăm mưu, ngàn kế” cùng với thủ đoạn tinh vi, bọn tội phạm buôn bán phụ nữ đã làm “siêu lòng” nhiều thiếu nữ thôn quê nghèo khó.

Sự thật đằng sau những vụ mất tích "bí ẩn"

Anh Sùng Seo Vảng, Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư (huyện Bắc Hà, Lào Cai) xót xa cho biết: "Phần lớn phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân là bỏ sang Trung Quốc. Phần lớn do thiếu hiểu biết, đời sống nghèo khó, nghe bọn "buôn người" dụ dỗ ngon ngọt họ chẳng nghi ngại gì, tự nguyện, cứ theo nhau lao sang bên kia biên giới. Đi rồi đi mãi, không thấy ai về.  Cũng có những cô 25- 28 tuổi mà chưa lấy được chồng, hoặc cuộc sống cơ cực quá, cũng bỏ đi."

Phụ nữ mất tích bí ẩn đã phá vỡ đi sự bình yên, yên vui vốn có của bản vùng cao Tả Văn Chư

Bọn tội phạm thường lợi dụng lúc đám đàn bà con gái trên đường đi làm nương, đi hội, hoặc đi chợ Bắc Hà, Cán Cấu, Lùng Phình, Cốc Ly… để thực hiện âm mưu. Cứ gặp phụ nữ có nhan sắc là các đối tượng “tăm tia” gạ gẫm, tung ra những lời nói ngọt ngào hoặc mô tả mùi mẫn về cuộc sống ở bên kia biên giới sung sướng không đâu bằng. Nhiều khi bọn chúng bỏ công tìm hiểu về những người phụ nữ có mâu thuẫn với chồng, rồi tìm cách đánh vào tâm lý, làm cho họ xiêu lòng và tự nguyện đi theo mà chẳng hề biết thực chất ở bên kia cuộc sống như thế nào.

Mấy năm gần đây, bọn tội phạm lại nghĩ ra chiêu thức mới, chúng lợi dụng tục “kéo vợ” của người Mông, đi chợ kéo các cô gái về làm vợ nhưng thực chất là “kéo” luôn sang Trung Quốc bán. Hay chiêu thức thuê những người môi giới đóng làm bà mai, bà mối để lừa lọc. Chúng cũng vờ tổ chức cưới xin hẳn hoi, nên nhiều gia đình, các cô gái nhẹ dạ mắc mưu.

Nguyên nhân chính của nạn “phụ nữ mất tích” ở xã Tả Văn Chư nói riêng và huyện Bắc Hà được xác định là do phong tục tập quán còn lạc hậu, con gái dễ tin kẻ xấu; do đời sống kinh tế khó khăn và do những mâu thuẫn trong gia đình gây áp lực và sự tủi thân cho người phụ nữ. Bọn tội phạm, với nhiều mánh khóe đã nghĩ ra nhiều chiêu thức đánh vào tâm lý của người phụ nữ, vốn không được chiều chuộng, hoặc vừa bị chồng mắng chửi…  Cũng nhiều ý kiến cho rằng, không ít phụ nữ ở độ tuổi 24-28 chưa có chồng, liền bị chê cười là ế chồng. Điều này làm họ tủi thân, nên họ đã nghe người khác nói vượt biên để sang Trung Quốc, lấy được chồng vừa tử tế, vừa giàu có, là họ tin ngay, dù không biết thực tế như thế nào.

Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài do Bộ Công an hợp tác với tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) thực hiện, nguyên nhân chủ yếu để dẫn đến tình trạng trên ngày càng tăng là do đời sống kinh tế còn nghèo nàn, trình độ dân trí, sự hiểu biết còn thấp.

Trong số trên gần 40 nạn nhân của những vụ “buôn người”, và tự nguyện bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân có hơn một nửa là người mù chữ hoặc chỉ dừng lại ở cấp tiểu học. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã “đẩy” họ trở thành “miếng mồi” ngon cho những tên “buôn người”.

Chính quyền vào cuộc

Song song với việc tăng cường công tác đấu tranh chống loại tội phạm nguy hiểm này, ông Sùng Seo Vảng, Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: "Thời gian tới xã đẩy mạnh thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục nhằm nâng cao đời sống người dân. Chỉ khi nào xóa sạch cái nghèo, cái dốt, sự thiếu hiểu biết, chúng ta mới tạo ra được những “kháng thể” cho người dân có khả năng “đề kháng”, chống lại những “virus… buôn người”.

Để ngăn chặn “nạn mất tích” ở xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ việc tuyên truyền pháp luật đến chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của các ngành, các cấp cùng với đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho họ.

Ông Sùng Seo Vảng cho biết thêm, trước tình hình phức tạp của nạn buôn bán người và việc nhiều phụ nữ bỏ đi, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống buôn bán người. Theo đó, chính quyền kết hợp cùng với các ban ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, để người dân nhận thức, đối phó, không tiếp tay cho bọn buôn người.

Anh Giàng Seo Dìn- Trưởng công an xã Tả Văn Chư cho biết, một nguyên nhân phức tạp dẫn đến tình trạng đau lòng trên là do tập tục của người Mông. Họ có tục bắt con gái, nên nhiều khi con gái bị bắt đi mấy ngày, bố mẹ cũng chẳng biết mặt mũi và địa chỉ của người bắt. Hết thời hạn ba ngày, không thấy con gái về, họ mới tá hỏa đi tìm và báo công an. Cho nên, chúng tôi phải thực hiện cùng lúc là tuyên truyền, kêu gọi bà con dân bản phối hợp hạn chế tình trạng này.

Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của Chính quyền địa phương mong rằng trong thời gian tới Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em. Rất cần hệ thống pháp lý chặt chẽ, mức án thật nặng thì mới có thể ngăn ngừa và trừng trị thích đáng loại tội phạm vô nhân tính này.