T-15 Armata Nga dễ dàng đánh bại M2A3 Bradley Mỹ

ANTD.VN - Sự ra đời của dòng xe tăng siêu hạng T-14 Armata không thể khiến loại xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata, có tính năng vượt trội dòng xe tương tự của Mỹ bị lu mờ.

Vừa qua, sau màn ra mắt ấn tượng của siêu tăng thế hệ mới T-14 Armata, các chuyên gia phương Tây chú ý đến xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 và bỏ qua xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 cũng được chế tạo trên cơ sở khung gầm Armata (trong khuôn khổ dự án 149 - Project 149).

T-15 hoàn toàn khác các phiên bản tiền nhiệm của nó và có tính năng vượt trội so với các dòng xe chiến đấu phương Tây, thích hợp với mọi cuộc chiến, ví dụ như ở Trung Đông hoặc ở châu Âu, bình luận viên The National Interest Sebastien Roble cho biết.

Xe chiến đấu bộ binh  (BMP) hạng nặng T-15 Armata là sự kết hợp đặc điểm của hai loại xe quân sự là xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép hạng nặng. Khái niệm này phản ánh logic phát triển thiết bị này với sự thay đổi điều kiện chiến đấu qua từng thời kỳ lịch sử.

Dưới thời chiến tranh lạnh, xe tăng được coi là vũ khí chủ đạo do khả năng cơ động, sức mạnh và khả năng nhanh chóng di chuyển sâu vào phòng tuyến của đối phương, thích hợp với không gian chiến trường rộng lớn của một cuộc chiến tranh quy mô.

Nhưng trong điều kiện mới (bắt đầu từ cuối Chiến tranh Lạnh đến nay), chiến tranh hiện đại đi theo xu hướng phải tiến hành các cuộc chiến đấu kéo dài trong không gian đô thị (ví dụ như ở Gaza-Israel/Palestine, Beirut-Lebanon, Grozny-Chechen (Chechnya), Fallujah-Iraq hoặc Aleppo-Syria), các loại xe tăng nặng nề, chậm chạp không thích hợp với chiến tranh đô thị.

Xe chiến đấu bộ binh bánh xích thế hệ mới T-15 Armata của Nga

Hơn nữa, các loại vũ khí chống tăng hiện đại có khả năng phá hủy gần như mọi loại xe tăng nên xe chiến đấu bộ binh và xe thiết giáp nói chung là sự phù hợp nhất bởi nó có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, có khả năng chở quân, lại sản xuất hàng loạt dễ.

Tuy nhiên, các dòng xe chiến đấu bộ binh (BMP) và xe thiết giáp chở quân lại có điểm yếu chí tử là do ưu tiên số 1 về tính cơ động nên có vỏ thép mỏng hơn, khả năng tự bảo vệ kém hơn, dễ bị tổn thương nếu không có bộ binh hỗ trợ.

T-15 của Nga được sản xuất với tiêu chuẩn bọc thép của xe tăng, đặc biệt nó được tăng cường khả năng bảo vệ để chống kiểu tấn công “đột nóc” từ trên cao như của tên lửa Javelin, giúp T-15 có khả năng sống sót cao trong các cuộc chiến hiện đại, trước rất nhiều loại tên lửa chống tăng mạnh mẽ.

Về hỏa lực, xe chiến đấu hạng nặng T-15 Armata được thiết kế với một module chiến đấu mới. Vũ khí chính gồm 1 pháo tự động 2A42 cỡ 30mm,  tầm bắn khoảng 4.000 mét với 500 viên đạn, trong đó có 160 đạn xuyên giáp và 340 đạn nổ phân mảnh.

Ông Roble nói thêm về điểm mạnh nhất của T-15 là nó được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng mạnh nhất trên thế giới, gồm 4 tên lửa có điều khiển Kornet-EM có tầm bắn tối đa từ 8 - 10 km. Ngoài ra, T-15 còn có 1 súng máy đồng trục 7,62 mm với cơ số 2.000 viên đạn.

Đặc biệt, T-15 Armata được trang bị thiết bị ngắm quang học nhằm phát hiện mục tiêu được ngụy trang. Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, có khả năng tự động tìm kiếm mục tiêu trong nhiều dải quang phổ khác nhau, ở chế độ chủ động và thụ động, giúp T-15 có thể tham chiến đồng thời với 2 mục tiêu.

Xe chiến đấu bộ binh bánh xích M2A3 Bradley của Mỹ

Mặc dù xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 Armata của Nga được trang bị lớp bọc thép dày, khiến trọng lượng lên đến 49 tấn, nhưng nó vẫn có thể tăng tốc tới 70 km/h, vượt qua cả BMP M2A3 Bradley tốc độ cao của Mỹ, mặc dù loại này chỉ nặng khoảng 30 tấn.

Ngoài ra, hỏa lực của Bradley/Mỹ cũng yếu kém hơn nhiều so với T-15. Vũ khí chủ lực của Bradley là pháo cỡ 25mm có tốc độ bắn 200 phát/phút, tầm bắn tối đa đạt 2,5km. Bradley cũng chỉ được lắp bệ phóng 2 đạn tên lửa chống tăng TOW có phạm vi hiệu quả hỏa lực 3.750m.

Mộ điểm vượt trội so với Bradley là T-15 sẽ được trang bị các máy bay trinh sát không người lái, nhằm tăng cường khả năng trinh sát, giám sát chiến trường chuẩn bị đầy đủ cho trận đánh mà nó chuẩn bị tham gia hoặc bảo vệ đoàn xe trước các cuộc phục kích của kẻ địch.

Với những thông tin ban đầu được công khai, T-15 xứng đáng ở ngôi vị số một thế giới về dòng xe chiến đấu bộ binh hạng nặng (khung gầm bánh xích) bởi nhiều tính năng của nó hơn hẳn xe chiến đấu chủ lực của phương Tây, mà đỉnh cao là xe Bradley của Mỹ.

Hoạt động chiến đấu phức tạp trong khu vực đô thị, chẳng hạn như Aleppo của Syria và Mosul của Iraq sẽ là mối quan tâm chính của các nhà chiến lược quân sự. Do đó, loại xe chiến đấu bộ binh hạng nặng như T-15 sẽ là giải pháp lý tưởng để giải quyết vấn đề này.