Suy nghĩ trong ngày vui thống nhất!

ANTĐ - Tôi hay suy nghĩ về đêm. Khi ấy không gian tĩnh lặng và rất tỉnh táo. Đêm nay là một đêm đặc biệt, lúc 8 giờ tôi được xem một phóng sự nhân Lễ khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng! Cảm xúc về người mẹ Việt Nam có lẽ không bao giờ thôi day dứt trong tâm trí của những người lính chúng tôi...

Bạn tôi, liệt sỹ họa sỹ Hoàng Tích Minh, lúc gặp tôi khoảng tháng 12-1971 ở góc Tràng Thi, chéo Quán Sứ có nói: Sau này nếu còn sống tớ chỉ vẽ các mẹ, các chị thôi, hình đẹp lắm…! Hơn hai năm sau, anh hy sinh trong một trận pháo kích của địch. Chính các O du kích Gio Linh đã mai táng cho anh. Anh là con trai cưng của họa sỹ Hoàng Tích Chù. Còn nhớ mãi cái hôm đầu 1972, đoàn tàu chở các binh sỹ Sư đoàn 325, Sư đoàn sinh viên rời căn cứ Nhã Nam, Bắc Giang vào Quảng Trị chiến đấu. Quân lệnh tất cả không rời tàu. Hàng trăm lá thư viết vội bay như bươm bướm xuống đường. Nhân dân chả quen chả lạ nhưng dừng hết cả lại, hỏi thăm, chúc mừng, rồi khóc, rồi động viên.
Một người dân thấy một anh bộ đội trẻ măng, mặt bầu, có chút tàn nhang, búng ra sữa tung một lá thư lên cao: “Bác ơi! chuyển cho cháu nhé!”. Ngay lập tức người đàn ông cầm lá thư lên: … số nhà… phố Sinh Từ… và ông đã đạp xe như bay về đưa cho họa sỹ Hoàng Tích Chù. Họa sỹ khi ấy đã già lắm rồi cũng tức tốc ra ngay ga Hàng Cỏ thao thiết nhìn lên các cửa sổ toa tàu. Đúng lúc ấy đoàn tàu từ từ chuyển bánh. Và vĩnh viễn ông không bao giờ gặp lại đứa con trai yêu quý nữa. 

Tôi không mê tín dị đoan, nhưng mỗi lúc nhớ đến nét mặt Minh lúc nói câu: “Nếu còn sống…” Người lính có cái linh cảm lạ lắm. Bạn tôi Nguyễn Trọng Luân kể đêm Tây Nguyên hai thằng mắc võng nằm trước trận đánh, tâm sự đủ chuyện. Ông bạn bảo: Khi nào được về Bắc mày nhớ đến gặp u tao bảo tao vẫn khỏe lắm và nhớ u tao nhiều nhé! Thế rồi Luân lại hỏi: “Thế mày không về à?” Thì anh đã ngủ khèo rồi. Và người đồng đội ấy đã hy sinh sau đó!

Suy nghĩ  trong ngày vui thống nhất! ảnh 1

Bức tranh “Chiến tranh đã qua lâu mà mẹ vẫn ngóng chờ con”
(tranh sơn dầu của hoạ sĩ Lê Trí Dũng)

Trong một bài viết tôi có một lần nhắc đến một bà mẹ Gio Linh, đầu  năm 1973 tôi có lạc bước vô một túp lều, lợp bằng tôn, cỏ tranh, vỏ đạn và bao cát… tất cả các nhà khi đó đều như thế. Một mẹ già ngồi thu lu nơi góc nhỏ bé, khô quắt như một gốc cây khô. Tôi ngó lên tường nơi trang trọng nhất của túp lều. Một bàn thờ bằng đuya ra treo tạm trên có hai tấm ảnh, một đội mũ tai bèo và một bê rê lệch có bông mai. Con nào mà chả là con. Già rồi biết nương tựa vào ai đây? Trong chiến tranh cái tình người nó thao thiết lắm…

Lại nhân đây, tôi cứ nghĩ mãi  một câu chuyện về tình mẹ. Trong một trận đánh ác liệt ở Quảng Nam, có hai người lính giải phóng thấy trong một căn hầm có đôi vợ chồng lính VNCH. Người chồng bị thương nhưng người vợ lại đang mang thai sắp đến ngày sinh, mảnh pháo ở ngực làm người đàn bà chỉ còn thoi thóp. Khi thấy hai người bộ đội giải phóng, người mẹ thều thào: Các anh ơi! Cứu cháu nó với. Tôi chết cũng được. Hãy cứu nó! Trong tình thế khẩn cấp đó, một anh bộ đội đã rút con dao găm ra, từ từ rạch bụng người mẹ, lấy cái bào thai ra, khi đó đã ngạt, sau đó lại dùng miệng hút cho thông đường thở của thai nhi, người lính VNCH rạp xuống cảm ơn, và ôm xác vợ mình. Trong ánh hoàng hôn, dưới ánh sáng hỏa châu và bom pháo, hai người lính ôm đứa bé gửi một bà má Quảng Nam vì trận chiến còn ngay trước mặt. Lúc chia tay, bà má chỉ kịp hỏi với một câu: Các chú đặt tên nó là gì? Người lính chỉ còn kịp trả lời: lấy tên nơi xảy ra trận đánh đó đặt tên cho bé! 

Sau 30-4, một trong hai người lính trở lại tìm và đón bé về nuôi (không phải người dùng dao găm mổ). Đứa bé lớn lên, học rất giỏi và được du học ở Mỹ. Lúc này, tại Việt Nam, cả bố và mẹ nuôi lần lượt qua đời vì chất độc dioxin. Sau khi về chịu tang và soạn sửa lại đồ đạc, anh tìm thấy lá thư để lại kể rõ sự thật. Anh đã đi tìm ân nhân của mình, người đã mổ bụng người mẹ để mình được làm người. Người lính đó sau này được đi học ở Liên Xô và trở thành một cán bộ chủ chốt ngành thực vật của ta, nay sống ở Liễu Giai Hà Nội. 

Tình mẹ ở câu chuyện này có sâu thẳm không?