Sụt lún kè Tráng Việt: Mang tiền tỷ đổ xuống sông

ANTĐ - Chỉ sau 1 trận mưa lớn hồi giữa tháng 8, kè Tráng Việt, sông Hồng đã bị sụt lún nham nhở khiến bức xúc của người dân xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) càng gay gắt. Đường bê tông đỉnh kè gãy nứt, dư luận cho rằng, làm đê kè kiểu này, chẳng khác nào mang tiền đổ xuống sông.

Dù đã được kè hộ chân, nhưng sạt lún vẫn đang gặm dần nhà dân

Vừa mưa đã sập

Có mặt trên địa bàn xã Tráng Việt, dọc theo khu vực kè Tráng Việt dài khoảng gần 1km chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì toàn bộ phần mái kè bằng đất đã bị sụt lở hết, không còn dấu tích. Duy chỉ còn đoạn mái kè đá có chiều dài hơn 160m khu vực di tích Nhà in Tiến Bộ là nguyên vẹn. 

Anh Ngô Văn Toàn, xóm 5, thôn Tráng Việt xót xa: “Qua trận mưa lớn hồi giữa tháng 8, một mảng vườn và sân nhà tôi đã bị sụp xuống. Hiện, sạt lở vẫn âm ỉ, bởi đất đã bị giằng, vạch thành những đường nứt kéo dài, chỉ chờ mưa lớn là lại tiếp tục sạt”. Cũng theo anh Toàn, mặc dù khu vực sông này đã được kè hộ chân bằng đá, nhưng không hiểu sao, hiện tượng sạt lún vẫn diễn ra. “Khi họ tiến hành làm kè, tôi thấy họ mang máy móc về khoan, thăm dò địa chất, nhưng mà, kè làm xong rồi, tưởng yên ổn sinh sống, ai ngờ vẫn như vậy”, anh Toàn phản ánh. Cạnh nhà anh Toàn, nhà anh Ngô Văn Dũng, sạt lún cũng đã “ăn” mất một góc vườn, còn nhà anh Ngô Văn Minh thì đã ra sát bờ kè, tường nhà bị nứt.

Đáng nói, đoạn đỉnh kè bằng bê tông có chiều dài gần 300m vừa đưa vào sử dụng ngày 12-5, thì vào 17 và 18-8, qua trận mưa lớn dưới tác động của bão số 5 đã bị sụt gãy nham nhở. Một đoạn đường bê tông dài chừng 10m đã bị sụt kéo đổ ụp xuống, những miệng cống thoát nước cũng bị giằng kéo gãy nát. Anh Lê Văn Ngọc, xóm 9, xã Tráng Việt bức xúc: “Đường bê tông gì mà vừa đưa vào sử dụng, chỉ qua một trận mưa đã hỏng be bét. Đất bị sạt trôi thành những hàm ếch rộng, sâu đến cả mét ăn vào đường. Như thế này có khác nào, mang tiền đổ xuống sông”.

Anh Ngọc nói tiếp: “Xử lý kiểu này thì chẳng mấy lại hỏng. Cả đoạn đường bê tông đỉnh kè này coi như bỏ đi hết. Đoạn trên còn sụt hẳn xuống, phải đắp đất lấy đường đi cho dân”. Không chỉ anh Ngọc, mà nhiều người dân trên địa bàn xã Tráng Việt đều tỏ ra bức xúc vì tình trạng công trình vừa đưa vào sử dụng, chỉ qua một trận mưa đã hư hỏng. Anh Lê Văn Đỏ, xóm 9 cho hay: “Lẽ ra, nền đất yếu thì họ phải xử lý triệt để, kỹ. Nhưng chúng tôi thấy, khi làm đường họ không dùng xe lu để lu đất mái kè họ cũng chỉ dùng mỏ máy xúc đập vào. Như vậy sao đảm bảo chất lượng công trình”. 

Do địa chất yếu?

Đường bê tông đỉnh kè mới qua 1 trận mưa đã hỏng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khơ, Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cũng thừa nhận, việc sụt lún toàn bộ phần mái kè đất vẫn đang diễn ra, và, đoạn đường bê tông dài chừng 300m ở đỉnh kè đã bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, vị chủ tịch xã không nắm được gì thêm, vì kè do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội làm Ban QLDA kè Tráng Việt quản lý. 

Trưởng phòng Quản lý đê điều - Chi cục  Đê điều và PBLB Hà Nội ông Nguyễn  Xuân Hải cho biết, kè Tráng Việt được thi công từ năm 2009, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng chiều dài kè khoảng hơn 800m, trong đó, hơn 160m vừa hộ chân, vừa có mái đá. Còn lại, là hộ chân và mái đất. Giai đoạn 2 có chiều dài 285m, hộ chân bằng đá, mái đất, và đỉnh kè bê tông làm đường dân sinh. Tổng đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Bày tỏ về sự cố sụt lún tại đây, ông Hải cho rằng, đã biết địa chất ở khu vực này yếu, nước ngầm lại chảy mạnh, nhưng cũng không ngờ, sụt lún lại diễn ra với tốc độ như vậy. “Sạt lún gây hư hỏng công trình kè Tráng Việt là do địa chất yếu, nước ngầm nhiều. Đơn vị thi công sẽ khắc phục toàn bộ sự cố trong tháng 10”, ông Hải khẳng định.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngày 22-8, đơn vị thi công là Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh đã có báo cáo về sự cố lún sụt công trình kè Tráng Việt. Công văn đã đưa ra nguyên nhân gây sụt lún kè Tráng Việt là do địa chất tuyến công trình yếu, có nhiều hố bùn sâu cộng với toàn bộ nước trong khu vực tiêu thoát ra mái kè nên việc thiết kế đắp đất bù phụ  mái kè, trồng cỏ không có biện pháp nền đất yếu và tiêu thoát nước ngầm trong khu vực triệt để sẽ gây lún sụt, sạt trượt mái kè khi gặp mưa to, lũ lớn và an toàn cho công trình về lâu dài. 

Cũng theo ông Hải, dù Ban QLDA kè Tráng Việt cũng như Sở NN&PTNT đều nắm được việc địa chất ở khu vực này yếu, nước ngầm nhiều, nhưng, tại sao lại không có biện pháp xử lý nền tốt, triệt để, để dẫn đến sự việc trên. Hơn nữa, đã biết địa chất yếu, khó có thể tránh khỏi xảy ra sụt lún, hư hỏng, sao vẫn đổ tiền Nhà nước xuống sông?