Sụt “bẫy” hố ga: Khó truy ra trách nhiệm

ANTĐ - Gần đây, trên địa bàn nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn chết người do rơi xuống cống thoát nước, hố ga mất nắp. Trước thực trạng trên, nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những cái chết thương tâm này?
Sụt “bẫy” hố ga: Khó truy ra trách nhiệm ảnh 1
Những hố ga mất nắp tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm
với người dân sống trong khu vực và người tham gia giao thông


Sảy chân, mất mạng

Gần đây, vào lúc 16h30 chiều 6-9, sau khi đi học về, em Lê Văn Mạnh (7 tuổi, học sinh trường tiểu học Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cùng một số học sinh khác ra đường chơi. Khi đang chơi đùa, Mạnh bất ngờ trượt chân rơi xuống miệng cống không có nắp và bị dòng nước chảy xiết cuốn mất tích. 19h cùng ngày, thi thể Mạnh được phát hiện trong tình trạng vướng vào một lùm cây ở bên đường đối diện. 

Cũng trong chiều 6-9, em La Văn Tỷ, 9 tuổi (đường 22/12, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) bị nước cuốn xuống miệng cống mất nắp. Đến rạng sáng 9-9 thi thể em Tỷ mới được tìm thấy cách hiện trường khoảng 1km. 

Tại Nghệ An, sáng 3-9-2013, ở một trường mầm non thuộc huyện Nghi Lộc, hai cháu bé song sinh là Nguyễn Doãn N và Nguyễn Doãn T đã bỏ lớp đi chơi. Hậu quả là cháu N bị rơi xuống hố ga rộng không có nắp đậy, chết đuối.

Trên địa bàn Hà Nội, trước đó, cháu Nguyễn Thế A (trường tiểu học Bồ Đề, quận Long Biên) cùng 3, 4 người bạn phóng xe đạp đi chơi sau khi trời tạnh mưa. Đến đoạn Bồ Đề Xanh, do nước chảy xiết nên nhóm học sinh dừng xe lại. Lúc chống chân xe, Thế A bị trượt ngã xuống miệng cống bên cạnh và bị nước cuốn trôi. 

Cách đó không lâu tại công trường xây dựng đường Quốc lộ 5 kéo dài, đoạn chạy qua phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cũng xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Nạn nhân là cháu Trần Bảo N (sinh năm 2011), nguyên nhân do cháu N được người em họ bế ra công trường xem thả diều. Do không chú ý nên vấp vào miệng hố ga, người bế cháu N đã tuột tay làm rơi cháu xuống cống.

Ngày 23- 7 vừa qua, tại Hà Nội lực lượng chức năng đã phát hiện 1 võ sư chết dưới một cống nước không nắp. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến người này tử vong là do trượt ngã từ trên đường xuống hố thoát nước thuộc hệ thống thoát nước của đường vành đai 3 qua đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân. 

Ai chịu trách nhiệm?

Trước những vụ việc đau lòng trên, Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, để xác định rõ trách nhiệm của các bên, trước hết cần phân cấp rõ ràng về đối tượng sở hữu những hạng mục, công trình cụ thể trên các tuyến đường. Trong trường hợp tai nạn xảy ra do rơi xuống hố ga mất nắp: Nếu việc thi công, duy trì, bảo dưỡng hệ thống hố ga đó đã được phân công cho đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Còn trong trường hợp hố ga đó vẫn đang nằm trong khu vực thi công công trình thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Nếu công trình đã hoàn tất nhưng chưa nghiệm thu, nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp công trình đã nghiệm thu, trách nhiệm  thuộc về chủ đầu tư. Cần nói thêm rằng, ngay cả khi hệ thống hố ga, cống thoát nước trên các tuyến đường đã được phân công cho các đơn vị quản lý thì chính quyền các cấp vẫn phải có trách nhiệm phối hợp theo dõi, kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời những sự cố phát sinh.

Về trách nhiệm hình sự, Thông tư 22 năm 2010 của Bộ Xây dựng về Quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã nêu rõ, công trường phải có biển báo và rào chắn báo hiệu nguy hiểm. Trường hợp công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư, khi xảy ra tai nạn, cá nhân liên quan có thể bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (điều 220 BLHS). Nếu đặt trái phép chướng ngại vật, dựng “lô cốt”, hố ga... trên đường trong quá trình thi công, tu bổ đường sá, hầm cống, cá nhân có thể bị quy trách nhiệm về tội “Cản trở giao thông đường bộ” (điều 203 BLHS). Công trình thiếu các biện pháp bảo đảm an toàn và gây chết người thì có thể khởi tố theo điều 227 BLHS về tội “Vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người”. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về các tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”…

Khi xảy ra tai nạn, dù người dân có quyền khởi kiện, song họ phải nêu rõ mức độ thiệt hại, đối tượng bị kiện... Quy trình giải quyết những vụ việc này khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, chỉ cá nhân mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, việc xác định người phải chịu trách nhiệm trực tiếp là điều không đơn giản, bởi tình trạng phân công công việc, phân chia trách nhiệm không rõ ràng tại nhiều cơ quan đơn vị còn diễn ra khá phổ biến. Trong hoàn cảnh này, để hạn chế tai nạn, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần quan sát kỹ để tự cứu lấy mình…