Suốt đời tôi vá tình yêu không lành

ANTĐ - Mất chồng, mất con, tôi hóa điên đi vật vờ suốt mấy tháng trời. Một đêm gần Tết Nguyên Đán, tôi run cầm cập bước vào một căn nhà thấp tẹt ở bên bờ sông Lô...

Kể câu chuyện đời mình với người xa lạ, tôi đã đắn đo rất nhiều. Nghe xong, người ta thốt lên: "Không thể tin nổi đó là sự thật". Nhưng sự thật hiển nhiên như đang diễn ra suốt hơn 40 năm trời đối với một người phụ nữ. Tôi tên là Vũ Thị Nở, mọi người ở làng Vạn hay gọi tôi là "Cô Nở".

Tôi sinh ra ở một vùng quê ven biển. 18 tuổi xuân đời tươi roi rói, học hết lớp 7, tôi xin vào làm ở một nông trường cói gần nhà. Cuộc sống tập thể ngày đó rất vui nhưng cũng quá khắt khe với những lứa đôi yêu nhau. Tôi gặp Tiến - chàng thanh niên vạm vỡ, lực điền. Tình trong như đã nhưng ngoài thì lo sợ, chúng tôi lén lút hẹn hò. Trong một đêm trăng sáng, trên tấm thảm bằng cói, tôi dâng hiến sự trinh trắng của đời con gái cho Tiến. Quen hơi, xa nhau ban ngày khi làm lụng, tối tối bằng cách này hay cách khác, chúng tôi phải gặp nhau bằng được dù chỉ dăm bảy phút.

Chuyện riêng giữa 2 người tưởng chừng không ai biễt nổi, vậy mà vỡ lở khi một lần chúng tôi hẹn nhau ở bờ ruộng. 2 chúng tôi bị đuổi khỏi nông trường sau một loạt cuộc họp của chi Đoàn thanh niên và tập thể lao đông. Mỗi đứa đi về một nơi, tôi ôm cái bụng ngày một lớn dần là kết quả của tình yêu vụng trộm. Một đêm tối như bưng, bố bắt mẹ đưa tôi về quê ngoại để sinh con. Tôi sợ quá khi thấy mình chưa đầy 18 tuổi đã có một đứa bé trai đỏ hỏn bên cạnh. Họ ngoại thì thào bàn tán mấy đêm liền, và một đêm khi tôi ngủ thiếp, đi khi tỉnh dậy thì không thấy đứa con bé bỏng của mình đâu. Bầu sữa căng nhức ngực, tôi hỏi thì dì tôi bảo: "Chúng tao cho người ta rồi!"

Tháng sau trở về nhà, chuyện mất con chẳng đè nặng trong lòng vì tôi còn quá ngô nghê. Năm sau, có đợt thanh niên xung phong đi mở đường tận Hòa Bình, tôi làm đơn, khoác ba lô lên với miền rừng núi xa xăm. Tôi lặng lẽ như cái bóng giữa đại ngàn sau mỗi ngày lao đông cực nhọc. So với mọi người trong tiểu đội, tôi cao ráo, da bánh mật, tóc dài và mắt đen lay láy. Thế rồi số phận xui đẩy tôi gặp Hoạt - anh lái xe của tiểu đoàn đến đơn vị. Vừa nhìn thấy nhau, chúng tôi tưởng như đã gặp từ lâu. 2 đứa chuyên trò, tâm sự và say nhau như điếu đổ.

 

Hoạt bắt mất hồn tôi lúc nào chẳng biết và tôi lao vào cuộc tình quên cả nỗi sợ quá khứ. Khi con đường vắt qua đỉnh dốc Sung làm xong thì tôi cũng có bầu 3 tháng. Hoạt vụng trộm đưa tôi về quê bạn anh đề chờ ngày sinh nở. Hoạt hứa giấu kín chuyện 2 đứa, khi nào mẹ tròn con vuông sẽ đưa về quê anh sinh sống. Tôi tin Hoạt và đẻ một cháu gái kháu khỉnh đặt tên Nhung. Chiều chiều, tôi ôm con mỏi mắt chờ bóng dáng của Hoạt. Chờ mãi, chờ mãi đến mấy tháng sau cũng không thấy. Tôi nhờ chị chủ nhà lên Tu Lý tìm Hoạt. Mấy ngày sau chị quay về than thở: "Hoạt bị kỷ luật điều vào trong khu IV rồi!".

Tôi chới với như người chết đuối vớ vào bọt. Đêm đêm nước mắt rơi lã chã thấm ướt cả tã của con. Chị chủ nhà thương quá, chăm mẹ con tôi rất tận tình. Anh chị lấy nhau đã 8 năm mà chưa đẻ. Chị bảo tôi: "Cô để con bé tôi trông cho vào trong ấy mà lôi cổ nó về!". Nghe chị, tôi gửi con lặn lội tìm Hoạt. Tôi tìm mãi, lần theo dấu chân của những đơn vị thanh niên xung phong. Gần nửa tháng trời, tôi gặp Hoạt ở con đường phía Tây Quảng Bình. Hoạt ôm tôi khóc và dụ tôi ở lại Quảng Bình. Do đơn vị cần người nên nghe Hoạt trình bày, đại đội thanh niên xung phong đã đồng ý nhận tôi làm cấp dưỡng. Chiến tranh ác liệt nổ ra, một lần cuối mùa hạ năm 1967, máy bay Mỹ ném bom vào nơi chúng tôi đang làm.

Chiều ấy thật kinh hoàng, 31 người hy sinh, trong đó có Hoạt của tôi. Sau khi truy điệu, chôn cất Hoạt, đơn vị cho tôi quay lại tìm cháu Nhung ở Hòa Bình. Tôi về nơi mình ra đi nhưng không biết gia đình nuôi cháu đã chuyển đi đâu mất. Hỏi thăm mọi người, chỉ biết là hai vợ chồng nhà ấy đi tận Lào Cai, Yên Bái gì đó...

Mất chồng, mất con, tôi hóa điên đi vật vờ suốt mấy tháng trời. Một đêm gần Tết Nguyên Đán, tôi run cầm cập bước vào một căn nhà thấp tẹt ở bên bờ sông Lô. Chủ nhà là một người đàn ông gần 50 tuổi trông tiều tụy, hom hem và 2 đứa trẻ con còi cọc. Tôi xin ngủ trọ để mai đi đò từ Sơn Dương sang Phú Thọ tìm đường lên Yên Bái. Thấy tôi hau háu nhìn vào nồi cơm, ông dọn mâm bát cho tôi ăn. Vừa ăn vừa nghe ông kể chuyện vợ mất được 2 năm. Một mình ông nuôi 2 đứa con nhỏ bằng nghề chài lưới trên sông. Thấy ông thật thà, tôi nói tên và kể lại hoàn cảnh của mình. Ông xếp tôi ngủ với 2 đứa con nhỏ trên chiếc giường tre dải lá chuối khô làm đệm, còn ông xuống ngủ trông thuyền. Sáng sau ông dậy sớm từ tinh mơ, chẳng biết tôi ngủ hay thức. Đứng trước cửa nhà, ông nói một mình: - Cô cũng khổ và tôi cũng cực, nếu cô ở lại được làm bầu bạn với nhau thì ở!

Tôi dậy đun nước, rửa mặt cho 2 đứa bé. Được chăm trẻ con, lòng tôi vợi nhẹ hơn và tôi quyết định ở lại với bố con ông rồi sẽ tính sau. 3 năm trôi qua, chúng tôi sống như vợ chồng thật sự. Ai ai cũng thương hoàn cảnh của chúng tôi nên không bao giờ họ nhắc lại chuyện đau buồn đã qua... Mùa lũ năm 1971, cuộc sống trên dòng sông Lô kinh khủng lắm. Gia đình tôi vớt củi để đun, loại tốt để bán. 2 cháu đã biết theo thuyền với bố, tôi ở nhà lo việc bếp núc. Nhìn con nước cuồn cuộn đẩy cái thuyền nan bé nhỏ như chiếc lá, tôi lo lo. Cuối chiều, bố con ông Bào ném củi lên bờ cho tôi xếp và dặn dò: "Mẹ mày cứ ăn cơm trước, bố con tôi đi chuyến này là chuyến cuối cùng để mai nghỉ!". Nửa giờ sau, người làng chạy dọc sông về kêu thất thạnh:

- Ôi trời đất ơi! Thuyền bố con ông Bào bị lật chết tất rồi!

Đất dưới chân tôi sụt lở. Mặt mũi tôi tối tăm, ngã vật ra bất tỉnh. Mấy ngày sau, tôi vật vã kêu khóc suốt đêm. Người ta đến kín nhà chỉ biết lắc đầu. Mấy bà già trong làng ôm lấy cơ thể tả tơi, đầu óc rũ rượi của tôi và khuyên bảo: "Cái số mình nó thế làm sao được, chị cố mà sống. Năm nào hà bá cũng lấy đi một vài người ở làng này đấy!" Không tìm được xác, tôi lập ban thờ cho bố con ông Bào. Hết 49 ngày, tôi định bụng khăn áo ra đi một cách vô vọng. Người nói ra, người bàn vào: "Cô còn trẻ đừng phí đời mình. Thôi cứ ở đây lo làm lo ăn mà sống, ai thương đến mình thì cậy nhờ người ta!". Tôi trở thành công dân của làng Vạn ven sông Lô thật sự sau biến cố đau thương ấy.

 

4 năm sau ngày ông Bào chết, tôi gom góp cất được căn nhà gỗ xoan. Những người làm nhà cho tôi ở tận dưới Nam Định lên. Họ nói về thay đổi của vùng quê miền biển mà tôi chết lặng. Ông Ngọ là thợ cả tâm sự thẳng thắn:

- Cô mới 35, 36, còn sinh nở được lấy chồng đi!

Thấy ông mon men, tôi cảnh giác. Ông ta nửa nạc nửa mỡ: "Tôi thương cô lắm, cho tôi làm bạn với nhé. Tiền công làm nhà này tôi lo hết!". Tôi như hòn đá thối mới bị mưa đã thấm. Lúc nào có điều kiện gần nhau là ông gạ gẫm, bờm xơm. Một hôm, tôi đi lên nhà bà Bảy - người tôi nhận làm mẹ nuôi đầu xóm mượn tiền trả công cho thợ, về đến đầu nhà thấy đèn đóm tắt hết. Tôi dò dẫm trong lối đi ở vườn vào nhà. Một cánh tay ôm ngang lưng, một tay bịt vào miệng, giọng của ông Ngọ lắp bắp: "Tôi đây, tôi đây mình ơi, tôi thương mình quá!".

Tôi cựa cố thoát thân mà không thoát được. Ông bế thốc tôi vào nhà đặt lên giường và ghì tôi đến nghẹt thở. Bọn phó nhỏ đi chơi hết ngoài bãi. Căn nhà mới dựng bên ven sông chỉ còn có 2 người. Tôi chống đỡ một lúc rồi nhũn như con tằm bị nước sôi và nhắm mắt phó mặc cho đời. Từ lần ấy, tôi trở thành người đàn bà của riêng ông. Làm xong nhà, ông đưa tiền cho thợ về quê, còn ông ở lại sống với tôi và cuối năm ấy đẻ thằng cu Nhân. Khi cháu được 6 tháng thì bão táp lại nổi lên. Chắc bọn thợ về quê lộ tin, bà vợ ông Ngọ khăn gói lên tận nơi. Bà ta thẳng thắn nói với chồng: "Ông mang thằng bé về tôi nuôi. Lần này thì không có thợ với thuyền gì nữa!". Chửi chồng chán, bà ta quay ra ngọt ngào với tôi: "Hoàn cảnh của em cũng tội, chị cũng là đàn bà, thôi em đừng níu kéo ông ấy!". Rồi bà ta lên chợ mua 3, 4 bộ quần áo nói là để lại cho thằng bé. Đêm ấy, tôi uống bát nước bà vợ ông Ngó đưa, ôm con vào trong buồng.

2 vợ chồng ông Ngọ nằm ở gian ngoài thì thào cay ngọt. Tôi thiếp đi lúc nào chẳng hay, lúc tỉnh dậy đã sáng bạch. Con không thấy, vợ chồng ông Ngọ cũng mất tăm. Tôi gào thét vang một khúc sông. Cả làng chạy đến và cho người đi các ngả tìm kiếm song vô tung tích. Bị sốc, tôi ốm liệt giường 3 tháng liền, người teo như con mèo hen. Các cụ bà trong làng lại đến vỗ về: "Thôi cô ạ, trời cướp công mình, mình đành chịu. Cốt sao cố sống để làm nuôi lấy thân mình!"

Sau lần ấy, tôi bị liệt một chân không thể đi đâu được nữa. Tôi trở thành một góa phụ tàn phế không chồng, không con như thế đấy. Từ ngày bước ra khỏi nhà bố mẹ và suốt bao năm lưu lạc đất khách quê người, tôi tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Những đêm gió bấc tràn về lùa vào căn nhà lá 3 gian ở ven sông làm tôi co rúm người lại. Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi, chẳng biết ngày nằm xuống ai sẽ khóc mình đây.

Cả đời tôi yêu, cố yêu, đắm đuối vì tình yêu như người đi vá những mảnh áo mục và đến bây giờ, cô đơn chống nạng đứng chông chênh bên bờ sông, mỗi buổi chiều nhìn những đám cỏ rêu trôi xuôi về phía biển. Tôi ước gì mình là đám cỏ ấy để trở lại nơi mình đã sinh ra ở một vùng quê biển xa xôi. Tôi chỉ mong nếu câu chuyện này được đến với bạn đọc, âu cũng là bài học giúp những cô gái trẻ hãy tỉnh táo trong cuộc sống để mai sau không phải ân hận, xót xa và cay cực như cuộc đời của tôi.