Sửng sốt với hai cậu bé người Mỹ sáng chế phi thuyền dọn rác vũ trụ

ANTĐ - Kể từ khi con tàu vũ trụ Sputnik 1 của Liên Xô được phóng vào vũ trụ cách đây gần 60 năm, ngành hàng không vũ trụ trên thế giới đã tạo ra một đống rác khổng lồ gồm hàng chục triệu mảnh vỡ trôi nổi trong không gian. Mới đây, hai cậu bé 10 tuổi người Mỹ là Oliver Blaise và Leonard Gu đã gây sửng sốt với giới khoa học khi các em chế tạo thành công phi thuyền thu dọn rác trên vũ trụ xa xôi từ việc tái sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble.

Leonard Gu (trái) và Oliver Blaise (phải) cùng mô hình phi thuyền dọn rác vũ trụ

“Đón lõng” NASA

Theo số liệu thu thập được từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), khoảng gần nửa triệu mảnh vỡ đang bay lơ lửng trên quỹ đạo Trái đất với vận tốc 28.000km/h, rất dễ xảy ra nguy cơ va chạm với các vệ tinh và Trạm Vũ trụ quốc tế. Trong đó, báo cáo của NASA cũng nêu rõ, khoảng hơn 20.000 mảnh rác có kích thước to hơn quả bóng tennis đang tồn tại trong vũ trụ và hàng triệu mảnh rác khác có kích thước tương tự hoặc nhỏ hơn rất nhiều khiến các nhà khoa học của NASA cũng không thể theo dõi hết được.

Do tốc độ di chuyển quá nhanh, hàng triệu mảnh vụn này thậm chí bằng mắt thường chúng ta chỉ có thể trông như đốm nhỏ vút trong không trung, nhưng nó cũng có thể gây ra thiệt hại không hề nhỏ đối với những thiết bị vệ tinh và tàu vũ trụ không gian. 

Bước đầu, ý tưởng của hai cậu học trò 10 tuổi người Mỹ hiện thực hóa việc  thu dọn rác trong vũ trụ bằng phương pháp sử dụng một mạng lưới giống như tơ nhện và ống nano carbon kéo giãn giữa 1 tòa tháp kính để hút rác vào. Tuy nhiên, “không có gì đảm bảo tấm lưới sẽ được tung ra ở mọi trạng thái và nó có thể gây thiệt hại cho tháp”, Leonard Gu cho biết.

Tiếp đó, hai cậu học trò lại tiếp tục thử sức với việc dùng tia laser để phá vỡ những mảnh rác để làm chệch hướng đi của những mảnh rác này, đó cũng là phương pháp mà NASA từng áp dụng năm 2011. Nhưng cả Oliver Blaise và Leonard Gu đã ngay lập tức nhận ra nhiều vấn đề khác biệt, rằng phương pháp này có thể khiến các mảnh rác vốn đã nhỏ lại bị chia nhỏ nữa thành nhiều mảnh khác nhau khiến tình hình càng khó kiểm soát hơn. 

Cũng tại thời điểm đó, hai cậu học trò biết được NASA sẽ cho ngừng hoạt động của kính viễn vọng không gian Hubble trong khoảng 2 năm nữa. “Chúng cháu rất say mê với Hubble, muốn khám phá không gian và càng không muốn cỗ máy này ngừng hoạt động. Nếu đưa một tàu vũ trụ mới vào không gian để sử dụng thì chúng ra nên tái sử dụng Hubble để tiết kiệm đáng kể nguồn kinh phí dành cho không gian”, hai cậu học trò 10 tuổi cho biết.

Việc chuyển đổi chức năng sử dụng cũng được 2 cậu học trò lao vào mày mò và thực hiện rất đơn giản, bởi kính viễn vọng Huble hoạt động cùng 1 tàu vũ trụ có thể sẽ giúp phát hiện và loại bỏ rác nhanh hơn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của kính Hubble là không có bộ phận kéo đẩy nên không di chuyển được. 

Do vậy, Blaise và Gu đã lên kế hoạch cải tiến kính viễn vọng này bằng  trang bị một nhóm robot bay không người lái. Những robot này sẽ được điều khiển từ mặt đất, phát hiện và xác định vị trí của rác thông qua Hubble, sau đó robot sẽ tới thu rác bằng mỏ, móng vuốt hay bằng những thiết bị hút khác. Đặc biệt, nếu phát hiện rác trong vũ trụ còn có giá trị sử dụng thì robot bay không người lái sẽ mang chúng về Trái đất, tránh nguy cơ chúng bị đốt cháy thành tro bụi trong bầu khí quyển. 

Niềm đam mê bất tận

“Chúng cháu muốn trở thành nhà khoa học”, Leonard Gu chia sẻ khi em cùng bạn học của mình chiến thắng, giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Explora Vision hạng mục cho học sinh lớp 4-6 với trị giá giải thưởng 10.000 USD với mô hình phi thuyền không gian dọn rác vũ trụ. Cuộc thi do Hiệp hội Giáo viên Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức. Đây là một trong những cuộc thi khoa học lớn nhất thế giới ở Mỹ dành cho các em học sinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của trẻ em đối với nền khoa học công nghệ tương lai.

“Đây mới chỉ là một đống ý tưởng, hoàn toàn chưa có gì”, Leonard Gu khiêm tốn chia sẻ, bởi theo em phần ý tưởng thiết kế tái tạo kính viễn vọng Hubble thành phi thuyền dọc rác không gian cũng không hề phức tạp, khó khăn. Tuy nhiên, điều khó đối với các em hiện nay là bắt tay vào thực hiện mô hình này trên thực tế, vì đây là đề tài khoa học đầu tiên về dọn rác vũ trụ và trước nay chưa có dự án nào như vậy. Cả Gu và Blaise đều khẳng định: “Muốn khám phá nhiều hơn nữa về không gian bất tận”.