Sudan xem xét lại thỏa thuận với Nga về căn cứ hải quân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sudan sẽ xem xét lại thỏa thuận về căn cứ hải quân với Nga, vì một số điều khoản gây tổn hại cho lợi ích của đất nước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sudan Muhammad Othman al-Hussein cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh Blue Nile TV hôm 1-6.
Sudan muốn đạt được một thỏa thuận với Nga với điều kiện không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia

Sudan muốn đạt được một thỏa thuận với Nga với điều kiện không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia

“Hiện tại, chúng tôi đang đàm phán để có thể xem xét lại thỏa thuận này, nhằm đảm bảo rằng lợi ích của chúng tôi và lợi nhuận của chúng tôi được tính đến. Một số điều khoản gây ra những tổn hại nhất định cho Sudan”, ông Muhammad Othman al-Hussein nói.

Quan chức này cho biết thêm, thỏa thuận đã được chính quyền trước đây ký kết nhưng không được cơ quan lập pháp phê chuẩn theo yêu cầu của thủ tục phê duyệt điều ước quốc tế. Do đó, những thỏa thuận đó vẫn chưa ràng buộc về mặt pháp lý đối với Sudan và họ muốn có những sửa đổi trong thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga ở Biển Đỏ, có tính đến lợi ích quốc gia.

Đồng thời, tướng Muhammad Othman al-Hussein cho biết, đất nước ông cũng đang “mở cửa cho hợp tác quân sự với Mỹ. “Trước đây, Sudan phải hạn chế trong hợp tác quân sự chỉ với Nga và Trung Quốc. Ngày nay, khi đã được loại khỏi danh sách nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chúng tôi có thể hợp tác với Mỹ và các quốc gia phương Tây”.

Tuy nhiên, quan chức này phủ nhận mối liên hệ giữa việc xem xét lại thỏa thuận với Matxcơva cùng với cải thiện quan hệ với Washington.

Cuối tháng 4-2021, Sudan tuyên bố đình chỉ thỏa thuận với Nga để xây dựng căn cứ hải quân ở nước này. Theo thông báo, thỏa thuận sẽ bị đình chỉ cho đến khi được cơ quan lập pháp thông qua, mà hiện nay cơ quan lập pháp ở Sudan không tồn tại.

Trước đó, đầu tháng 12-2020, các nguồn tin cho hay, Nga và Sudan đã đạt được thỏa thuận xây dựng một cơ sở bảo trì và hỗ trợ hậu cần hải quân ở quốc gia châu Phi này. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 25 năm và tự động gia hạn thêm 10 năm.