Sức mua ít được cải thiện

ANTĐ - Với mức tăng 1,06% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2013, trong đó có đóng góp lớn của việc tăng giá nhóm hàng hóa giáo dục, chứng tỏ sức mua trên thị trường ít được cải thiện. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên thay đổi cách nhìn về mục tiêu CPI cả năm. 

Giá các loại rau xanh sẽ ổn định trong tháng 10

Nếu  như 9 tháng đầu năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 1.710 nghìn tỷ đồng, tăng 17,15% so với cùng kỳ năm 2011 thì trong 9 tháng đầu năm nay, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 1.192,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 12,3%, thấp hơn gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ sức mua trên thị trường có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm ngoái và ít được cải thiện so với các tháng trước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Trong điều kiện lương không tăng nhiều, sản xuất chuyển biến chậm nên người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Do đó, sức mua vẫn yếu”. 

Về mức tăng 1,06% của CPI tháng 9, một chuyên gia về thị trường cho rằng, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá của nhóm giáo dục (mang tính thời vụ) thì mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng này phản ánh đúng diễn biến thị trường. Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, mưa kéo dài nên giá rau xanh tăng đáng kể. Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm tươi sống cũng tăng so với trước đó. Giá thịt bò tăng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 8: thịt bò thăn, bò bắp giá từ 240.000- 260.000 đồng/kg.

Nhận định về thị trường tháng 10, các chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố: Mùa mưa bão ảnh hưởng đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu cầu một số mặt hàng tăng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng hóa cho nhu cầu Tết Nguyên đán sắp tới, dẫn đến nhu cầu mua, tạm trữ hàng hóa bắt đầu tăng, đặc biệt là việc tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường của một số loại hàng hóa quan trọng như: điện, nước sinh hoạt sẽ khiến giá cả tiêu dùng các tháng cuối năm tăng lên. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, CPI cả năm nay sẽ đạt khoảng 7% như mục tiêu đề ra. 9 tháng đầu năm, CPI cả nước đã đạt gần 5%, cộng với mức tiêu dùng trong các tháng cuối năm thường tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát đến gần mục tiêu hoặc tương đương năm ngoái. “Tuy nhiên, chúng ta nên thay đổi cách nhìn nhận mục tiêu lạm phát cả năm, bởi mặc dù đạt mục tiêu đề ra nhưng mức 7-8% lạm phát cả năm là quá cao. Nếu thấp hơn mức này thì tốt hơn”.