Sức mạnh từ mất mát và hy vọng

ANTD.VN - Được đề cử 6 giải Oscar 2017, trong đó có giải dành cho phim hay nhất, “Lion" dựa trên cuốn hồi ký cảm động của doanh nhân Saroo Brierley (quốc tịch Australia gốc Ấn Độ) - người tìm thấy mẹ đẻ sau 25 năm xa cách nhờ công nghệ Google Earth. 

Tuần bỏ phiếu bầu chọn cho các đề cử giải Oscar lần thứ 89 mới bắt đầu. Cũng có những bỏ quên đáng tiếc, nên vài bộ phim đứng vào danh sách đề cử ở những giây cuối cùng một cách ngoạn mục và dường như chìa khoá đến với cánh cửa Oscar chỉ là cái gật đầu tán thành của thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ. “Lion” của đạo diễn Garth Davis là một trong số đó.

Câu chuyện cảm động 

Saroo Brierley sinh ra ở một làng quê nghèo Ấn Độ vào thập niên 1980. Cuộc sống vất vả đã khiến Saroo phải theo chân anh trai là Guddu kiếm cái ăn trên những chuyến tàu hàng. Trong một lần chờ anh trai trên sân ga khuya, cậu bé 5 tuổi ngủ quên trên toa tàu vắng mà không ngờ rằng con tàu không người đó sẽ đưa mình vượt qua cả chiều ngang của tiểu lục địa Ấn Độ, với điểm đến cuối cùng là thành phố biển Calcutta. 

Không nhớ nổi mình đến từ đâu, cuộc đời Saroo rẽ sang hướng khác, cậu được đôi vợ chồng người Australia là Sue (Nicole Kidman thủ vai) và John Brierley (David Wenham thủ vai) nhận làm con nuôi. 

25 năm sau, nỗi nhớ mẹ, nhớ anh trai vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim Saroo. Với sự động viên của cô bạn gái Lucy và sức mạnh công nghệ từ phần mềm bản đồ Google Earth, Saroo quyết tâm lần theo những mảnh vụn ký ức về cung đường định mệnh năm xưa, với hy vọng tìm thấy mẹ đẻ, tìm thấy quê hương. Niềm hạnh phúc đoàn tụ đã đến sau bao nỗ lực tưởng chừng rơi vào bế tắc. Đến lúc này Saroo mới biết tên của mình là Sheru, trong tiếng Hindi có nghĩa là “Sư tử”.

Hình ảnh đẹp, giàu tính nghệ thuật

Là đạo diễn phim truyền hình có nhiều tác phẩm được đông đảo khán giả hoan nghênh, Garth Davis đã gây ngạc nhiên ở “Lion” với thể loại phim truyện đầu tiên. Garth Davis, với quá nhiều khát khao khi trình bày ý tưởng, phô diễn tài năng, đã vẽ một bức tranh hấp dẫn đến hoàn hảo, giúp người xem đi hết câu chuyện mà không cần nhiều đến lời thoại và những khuôn hình chi tiết. Không cần đến âm thanh, chỉ hình ảnh thôi cũng đủ giúp người xem theo dõi được mạch chuyện, hiểu thấu và liên kết các sự kiện. Đây là bộ phim hiếm hoi cho ta cảm giác như đọc một tác phẩm văn chương, chính xác hơn là như đọc một bài thơ bằng hình ảnh. 

“Lion” có hình ảnh đẹp như thể chỉ cần lồng vào trong khung là treo được lên tường nhà. Greig Fraser xứng đáng nhận đề cử quay phim xuất sắc nhất khi tạo ra những khuôn hình đẹp, logic. Những cảnh quay có lời thoại dễ dàng truyền tải nhiều lớp cảm xúc và tính nhân văn, biến sự đơn giản của câu chuyện thành cơ hội để người xem có được chiều sâu cảm xúc, nó tương tác và cộng hưởng tạo thành tình cảm yêu thương, thôi thúc người xem phải hành động trước tính chân thực của bộ phim

Là bị kịch về sự mất mát, đau khổ và tan vỡ nhưng chính ở “Lion”, ta tìm thấy niềm hy vọng, lòng thương, đức tin và tình yêu, tìm thấy sự cao cả, lòng khoan dung nảy nở ngay trên những đau đớn mà cuộc đời chúng ta phải trải qua. Vẫn có sự mạnh mẽ và không thể phủ nhận về khả năng miêu tả chân lý cuộc sống một cách bình lặng, tinh tế, sức sống của phim là mạch ngầm chảy dưới tất thảy các cảnh quay. Và cho dù chúng ta nhìn nhận phim bằng quan điểm cá nhân thế nào đi nữa cũng vẫn thấy giá trị nhân văn mà phim đem lại cho người xem. 

Diễn xuất tài tình

Dev Patel, Nicole Kidman và Rooney Mara với tài năng diễn xuất đỉnh cao đã cho thấy cảm xúc ẩn sâu dưới từng nhân vật là không giới hạn, giúp khơi mở tâm hồn người xem, hâm nóng ngay cả những con tim đã trở thành sắt đá. Và phải kể đến diễn xuất đáng kinh ngạc của Sunny Pawar, diễn viên 5 tuổi vào vai Saroo thời thơ ấu. Nhiều phim có sự tham gia của các diễn viên nhí thường dựa trên diễn xuất mang tính bản năng của đứa trẻ bị đặt vào những tình huống biểu thị niềm vui, nỗi buồn hay những tình huống nguy hiểm. May mắn cho “Lion” khi có được Sunny Pawar với khả năng diễn đa sắc thái cảm xúc hệt như một diễn viên dày dặn kinh nghiệm. 

Trả lời phỏng vấn sau khi phát hành bộ phim, đạo diễn Garth Davis cho biết: Với cốt truyện cảm động, ê-kíp “Lion” không mất nhiều thời gian để thuyết phục các ngôi sao Dev Patel, Nicole Kidman, Rooney Mara và David Wenham tham gia dự án. Song, việc tìm kiếm một cậu bé người Ấn Độ sắm vai Saroo lúc 5 tuổi lại tiêu tốn của họ khá nhiều thời gian. Theo Garth Davis, họ đã đến 3 thành phố lớn của Ấn Độ trong vòng 4 tháng, làm việc với khoảng    150-200 bé trai để tìm ra cậu bé lý tưởng nhất.

“Thế rồi Sunny Pawar xuất hiện và diễn thử. Tôi cảm thấy ở cậu bé có điều gì đó rất đặc biệt và quyết định nghe theo linh cảm bản thân. Sunny rốt cuộc đã khiến chúng tôi cảm thấy thực sự hài lòng”.

Thành công của bộ phim còn ở chỗ, đạo diễn Garth Davis đã nhận diện rõ ràng hai nền văn hoá Ấn và Úc. Tất cả các cảnh quay đều cho thấy sự trau chuốt từ trang phục đến sắp đặt không gian làm nổi bật đặc trưng của từng nền văn hoá, từng vùng miền, từ khung cảnh của nước Úc đến Ấn Độ, và khung cảnh nơi Saroo sống khi còn nhỏ, thậm chí những nét văn hoá đặc trưng của dân nhập cư trong quá khứ và hiện tại cũng được kết hợp đầy kinh nghiệm.

“Lion” nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi chúng ta phải đấu tranh và lựa chọn giữa nơi ta sinh ra và nơi chúng ta trưởng thành, có thể ta đang mắc kẹt trong đau đớn, giày vò và khó khăn nhưng bằng sự nhạy cảm, thông minh và mạnh mẽ ta sẽ đưa ra quyết định đúng đắn mà không phải hối tiếc về sau.