Sức mạnh hạt nhân Trung Quốc đang đe doạ tới cả Nga và Mỹ

ANTĐ -Sự phát triển sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc đang đe doạ cả Nga và Mỹ. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB) được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân mới nhất, Type 094 Trung Quốc, được cho là có khả năng vươn tới cả vùng duyên hải nước Mỹ, chuyên trang quân sự của hãng tin Sina cho hay. 

Tàu ngầm Type 094, có kế hoạch đưa vào sử dụng cuối năm nay trong quân đội Trung Quốc, đã được theo dõi bởi vệ tinh Mỹ gần bở biển Dalian. Tàu ngầm sẽ được trang bị đến 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 có tầm bắn từ 8.000 km đến 12.000 km.

Đây là chiếc tàu ngầm hạt nhân đáng tin cậy đầu tiên của Trung Quốc và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc phóng thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ngay phát bắn đầu, nhà phân tích Nicolas Giacometti tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế cho biết. Trung Quốc đã củng cố khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân từ trên tàu ngầm.

Sức mạnh hạt nhân Trung Quốc đang đe doạ tới cả Nga và Mỹ ảnh 1Tàu ngầm hạt nhân Type 094 của Trung Quốc được trang bị tới 16 tên lửa JL-2 có tầm bắn từ 8.000 km đến 12.000 km

Chính phủ Mỹ không có số liệu chính thức về số lượng các tên lửa đạn đạo liên lục địa và đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc kể từ lần cuối thu thập thông tin vào năm 2006. Washington vẫn đang cố tìm ra độ dài của đường hầm mà Trung Quốc sử dụng để dự trữ vũ khí và các đầu đạn hạt nhân. Cơ quan Chỉ huy Chiến lược Mỹ đã khuyên quân đội Mỹ nên phá huỷ các cơ sở vật chất và vũ khí hạt nhân này của Trung Quốc trước khi nó phát triển ra lớn hơn.

Tên lửa đạn đạo JL-2 trên tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Trung Quốc được cho là loại có thể phóng ở cả từ trên biển lẫn đất liền. Nhiều thông tin lại cho rằng JL-2 là phiên bản điều chỉnh từ tên lửa phóng từ đất liền DF-31 và có tốc độ bay nhanh hơn các loại tên lửa đạn đạo khác nên khiến các vệ tinh rất khó theo dõi.

Trên đất liền, vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc sở hữu các hệ thống phóng tên lửa lưu động. Loại vũ khí này rất khó phát hiện bởi vì nó có thể phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào, ngay cả khi đang đi trên đường cao tốc. Washington đã từng choáng váng khi Trung Quốc thử phóng tên lửa đạn đạo từ hệ thống lưu động đầu tiên của mình vào tháng 9-2014, một động thái chứng tỏ Trung Quốc giờ đã có thể cạnh tranh với Nga và Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân và đủ khả năng trừng phạt mọi kẻ xâm lược với sức mạnh hạt nhân.

Mỹ hiện vẫn đang cố gắng theo dõi các hệ thống phóng tên lửa lưu động trên khắp thế giới và 24/24 giờ mỗi ngày, không ngừng nghỉ. Washington đã có kế hoạch phóng thêm 21 vệ tinh quan sát trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 để thực hiện mục tiêu này dễ dàng hơn.