Loạt bài ghi chép tư liệu lịch sử của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (3):

Sức mạnh của nhân dân đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

ANTD.VN - Thực tiễn đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn dân tộc đã tạo thành khối đại đoàn kết, dồn sức người, sức của, và tất cả sức mạnh tinh thần cho chiến dịch.

Với 49 cứ điểm và 8 trung tâm được định hình trong ba phân khu trải dài khắp lòng chảo Mường Thanh, mỗi cứ điểm là một hệ thống phòng ngự với binh lực, hỏa lực lợi hại, được trang bị các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, cho đến thời điểm ấy, Điện Biên Phủ là Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương.

Sức mạnh của nhân dân đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 1Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

Chính vì thế, khi Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến với Pháp, một kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự góp sức của cả nước. Cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; già, trẻ, gái, trai từ nhiều địa phương.

Một cuộc cách mạng về hậu cần được thực hiện để vận chuyển một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí,... từ vùng do Việt Minh kiểm soát được chuyển lên Điện Biên Phủ một cách nhanh chóng, liên tục không ngừng nghỉ. Số lượng những người vận chuyển này gấp nhiều lần quân đội chính quy và được tổ chức, biên chế như quân đội. Đoàn người vận chuyển này đã thành dòng chảy bất tận tiến lên Điện Biên Phủ.

Trong dòng chảy ấy, những dân công sẵn sàng chỉ ăn rau dại, măng rừng và chút ít gạo buộc ở ghi đông xe đạp thồ, tuyệt nhiên không dám động vào hạt gạo chở lên Điện Biên Phủ cho bộ đội. Họ sẵn sàng nằm trên những tấm ni lông trải dưới đất, không dám ngủ hết giấc; những bàn chân, đôi tay chai sần, tóe máu vẫn gắng sức để đi vậy mà khối lượng lương thực vận chuyển được luôn vượt mức, hết lượt này đến lượt khác vượt qua những địa hình hiểm trở và lửa đạn của quân thù để hoàn thành nhiệm vụ.

Chiếc xe đạp do chính người Pháp sản xuất trở thành phương tiện vận chuyển chủ yếu, mỗi xe chở được từ 150kg đến 200kg, dân công Ma Văn Thắng ở Phú Thọ nâng tải trọng chiếc xe của mình lên 337kg, trở thành người đạt năng suất cao nhất chiến dịch. Tên gọi “xe đạp thồ” cũng từ sự kiện này mà ra.

Máy bay trinh sát của Pháp liên tục dội bom xuống những tuyến đường, ngăn chặn bước tiến của quân ta, đau thương không phải là ít nhưng chưa bao giờ con đường lên Điện Biên Phủ bị cắt đứt. Hàng ngàn dân công sửa đường vẫn miệt mài làm việc, vẫn lặng lẽ hy sinh để cho tuyến đường luôn được thông suốt; để cho việc tải lương, tải đạn chưa bao giờ bị chậm trễ, ngừng nghỉ.

Trong chiến dịch này, hầu hết xe vận tải của ta đã được đưa ra mặt trận, 628 xe phục vụ liên tục suốt ngày đêm. Bộ đội vận tải đã nêu cao tinh thần dũng cảm, chịu đựng thiếu thốn, khắc phục khó khăn, cho xe chạy không đèn trong đêm, lợi dụng sương mù chạy ban ngày, vượt qua bom chờ nổ, vận chuyển rất nhanh một khối lượng lớn lương thực, đạn dược phục vụ chiến dịch.

Điều quan trọng để có chiến thắng Điện Biên Phủ là làm thế nào để di chuyển những khẩu pháo vào những vị trí thuận lợi và ngụy trang hoàn hảo, gây bất ngờ lớn với thực dân Pháp. Để tạo nên bất ngờ ấy, hàng ngàn bộ đội và dân công đã nỗ lực phi thường làm nên điều không tưởng: Mở con đường kéo pháo bằng tay với chiều dài 15km, rộng 3m vượt qua đỉnh Pu Pha Sông cao 1.175m để kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn hoàn toàn bằng sức người lên núi.

Khi công việc còn chưa xong thì có quyết định thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Dân quân lại phải kéo pháo ra quay về vị trí tập kết để làm hầm trú ẩn cho pháo ở những vị trí thuận lợi, an toàn hơn. Trường hợp anh Tô Vĩnh Diện hy sinh khi lấy cả thân mình cứu pháo là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vì nước quên thân.

Sức mạnh của nhân dân đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 2Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ

Trong 210 ngày (từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954), một số tổng kết chính thức về sức mạnh của toàn dân tham gia vào chiến dịch như sau:

- Lực lượng dân công: 261.453 người với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ.

- Lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác, 1.860 lít dầu ăn và 280kg mỡ.

 - Quân trang, quân y: 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu; 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y. Điều trị cho 10.130 thương binh và bệnh binh (chưa kể số thương binh của địch).

- Về vũ khí, đạn dược: Hơn 3 triệu viên đạn các loại, 96.480 quả lựu đạn, 27,5 tấn thuốc nổ, 4.950 chiếc cuốc, 8.700 chiếc xẻng, 2.920 con dao. 

Tổng khối lượng cung cấp cho chiến dịch là 30.759 tấn, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn. Khối lượng vận chuyển trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là 4.450.000 tấn/km. Dân công đã làm mới 89km và sửa chữa, củng cố 500km đường. Đó chính là những kỳ tích của nhân dân ta góp phần đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi. 

Điện Biên Phủ là một một chiến thắng vô song xét về khối đại đoàn kết toàn dân. Các nhà nghiên cứu chiến tranh cũng thừa nhận trong lịch sử ít thấy cuộc chiến nào tạo ra được sức mạnh đoàn kết, nhất trí của toàn dân tộc như Điện Biên Phủ.

Sự đoàn kết này đã giúp đội quân Cách mạng non trẻ vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua được. Sự đoàn kết đã tạo ra sức mạnh sấm sét giáng mạnh vào chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên toàn thế giới, làm thay đổi cục diện chính trị quân sự ở Đông Dương và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh giành độc lập cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ một lần nữa chứng minh cho đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng ta. Đối mặt với những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự vượt trội, chỉ có vận động toàn thể người dân tham gia cùng với quân đội mới tạo ra sức mạnh tổng hợp để chiến thắng. Đường lối chiến tranh nhân dân này là truyền thống của dân tộc ta xuyên qua nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, đã giúp cha ông ta đánh thắng nhiều kẻ thù mạnh nhất trong lịch sử thế giới như quân Nguyên Mông.

Chiến tranh nhân dân lại một lần nữa được vận dụng tài tình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần quyết định mang lại độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đường lối này đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy giá trị của nó trong tương lai, không chỉ trong chiến tranh mà còn trong công cuộc phát triển quốc gia. 

(Còn tiếp)

Bài 4: Mỹ hất cẳng Pháp để vào Việt Nam như thế nào?