Sức mạnh cảm hóa ở làng tranh bích họa

ANTD.VN - Từ một chương trình độc đáo nằm trong  dự án giao lưu mỹ thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm cổ động phong trào mỹ thuật, khơi dậy đam mê vẽ về những cái đẹp, cảnh báo tệ nạn, cái xấu, làng bích họa Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) như được thổi  một luồng sinh khí mới. 

Sức mạnh cảm hóa ở làng tranh bích họa ảnh 1Tranh cổ động rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe

Nhân lên điều cao đẹp

Trở lại  làng chài Trung Thanh những ngày mùa thu năm 2016, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước khung cảnh hiện ra trước mắt. Ngay từ cổng làng đến từng ngõ ngách, từng căn nhà là những bức tranh tuyệt đẹp, đong đầy cảm xúc về cái đẹp. Lão ngư Lê Văn Bước cho biết: “Những ngày các họa sỹ về vẽ tranh bích họa trên các bức tường, trong các căn nhà và những tấm biển thông báo ở nhiều địa điểm công cộng, chúng tôi thấy thích thú lắm. Cả làng kéo nhau ra dõi theo từng nét vẽ của các họa sỹ chuyên nghiệp người Hàn Quốc. Họ còn nói được tiếng Việt và hướng dẫn cho những người dân chài chúng tôi cầm cọ vẽ tranh”. 

Tất cả các bức tranh hiện hữu từ đầu làng đến từng ngôi nhà ở Trung Thanh đều tập trung tái hiện về cảnh ấm cúng gia đình, cảnh đồng quê yên ả, thanh bình, cảnh đạo hiếu, cảnh háo hức lao động và cả những bức tranh tái hiện tác hại của những thứ tệ nạn chết người có thể xâm nhập vào cuộc sống, vào các ngôi làng và từng cá nhân. Ông Bước bảo, từ khi được khơi dậy đam mê vẽ tranh, thưởng thức tranh thì người làng ai cũng nói về những điều tốt đẹp. Nhất là những lúc nông nhàn, người ta lại tìm đến nhau để cùng bàn luận về các bức vẽ, qua đó nhắc nhở nhau hãy sống tốt hơn. Rồi những bức tranh về tình làng nghĩa xóm được các người già trong làng mang ra soi chiếu để xem mọi người đã sống tốt với nhau hay chưa, đã đùm bọc nhau như những điều đẹp đẽ mà bức tranh muốn truyền tải hay chưa. 

Hầu như nhà nào ở Trung Thanh cũng có vài bức tranh trong nhà. Tranh được vẽ trực tiếp lên vách tường, lên giấy cứng, lên ván gỗ bằng các chất liệu màu vẽ khác nhau. Chị Lê Thúy Hằng, một người buôn bán trong làng cho biết, trước đây gia đình mình hay cãi lộn. Chồng chị thì mê đánh bạc nhưng chị không có cách nào khuyên giải được. Cho đến khi các họa sỹ đến nhà vẽ tranh về tác hại của tệ nạn xã hội,  về sự đoàn viên, hạnh phúc  sau đó còn phân tích cho cả gia đình cùng hiểu nữa, thế là từ đó, cứ mỗi lần nhìn vào các bức tranh ấy, chồng chị lại từ bỏ ngay ý định đi đánh bạc hay gây mất trật tự công cộng. 

Anh Nguyễn Văn Đạt cũng thừa nhận rằng, nghệ thuật và sức hút từ những bức tranh cổ động này thật kỳ diệu. “Trước đây tôi hay đi quậy và nhậu say mèm mới về. Thế mà từ khi thấy những bức tranh bích họa hiện hữu ngay trên vách tường nhà mình, nói về sự khó nhọc của những người vợ, sự đau khổ của những đứa con khi có cha phạm tội hay gây rối không chịu làm ăn, tôi tỉnh ngộ ra  và chuyên tâm vào làm ăn, xây dựng gia đình, tuyệt đối không đi làm những việc xấu như trước kia nữa”. 

Chị Trần Diệu Ly, điều phối viên chương trình Dự án Giao lưu mỹ thuật công đồng Việt-Hàn cho biết, chương trình này nhằm mục đích vẽ tranh cổ động chống tệ nạn, vẽ về những nét đẹp cuộc sống. Chủ yếu do các họa sỹ Hàn Quốc thực hiện. Những người dân sẽ được giảng giải chi tiết về tranh, được hướng dẫn vẽ nếu có nhu cầu và đam mê. Thế nên ai cũng mê và háo hức cả. 

Ngư dân thành “nhà thẩm định tranh”

Lão ngư Trần Quý Tùng hồ hởi khoe, từ khi học cách cầm cọ vẽ phụ những bức tranh cổ động cùng các họa sỹ chuyên nghiệp thì ông hiểu thêm về mỹ thuật nhiều lắm. Sau khi hiểu thì về phân tích cho con cháu, cho những người thân quen của mình. “Tôi có thể phân tích cặn kẽ được bức tranh cổ động về chống ma túy, chống cướp giật. Từ đó cảnh báo những thanh niên trong làng không nên dính vào những tệ nạn đó. Cả những bức tranh về sức mạnh đoàn kết tôi cũng có thể nói được nhiều điều về nó. Những lúc không ra khơi đánh cá, ở nhà tôi lại mày mò nhìn theo bức tranh mẫu có sẵn để vẽ theo. Thế mà tay nghề được nâng lên nhanh lắm”. 

Mỗi người đam mê một kiểu tranh khác nhau nhưng cái độc đáo ở làng tranh bích họa Thanh Trung là ai cũng hiểu được ý nghĩa những bức tranh muốn truyền tải. Chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, trước đây gia đình chị cũng hay lục đục, thế mà từ khi được các họa sỹ vẽ và cùng hướng dẫn vẽ theo một bức tranh về “mái ấm gia đình” ngay trên vách tường trong nhà mình, thấy ấm cúng hẳn lên. Vợ chồng không cãi nhau nữa, vì mỗi lần giận lại cùng nhau nghĩ đến lời nhắn nhủ của bức họa.  

Có những bức tranh khơi dậy đam mê đi biển, vươn khơi được nhiều ngư dân say sưa phân tích cả ngày không biết chán. Họ bảo, có khi ngắm tranh, phân tích tranh quanh làng mình còn vui hơn cả đi chơi chọi gà như trước kia. Những người yêu cái đẹp và sự hoài cổ thì lại say sưa phân tích những bức tranh về thiếu nữ bên hoa sen, về làng chài thuở xa xưa. Anh Phạm Hậu bảo: “Làng chài thuở xa xưa mình chỉ được nghe qua các chuyện kể. Giờ được các họa sỹ vẽ và hướng dẫn cùng vẽ trên các vách tường khiến chúng mình cảm nhận được nét đẹp  ngày ấy. Bức tranh cho thấy, đã có thời không ai phạm tội, không ai trộm cắp của nhau mà cùng nhau vươn lên. Thế là ai cũng mê mẩn bức tranh này”. 

Nhiều học sinh ở làng Trung Thành cũng cho biết, nhìn ngắm những bức tranh cổ động phong trào học tập trong làng rồi được các bậc phụ huynh phân tích nên các em hiểu ra mà tránh xa những trò chơi game bạo lực hay những cuộc tụ tập chơi bời khác. Nhất là những bức tranh  học sinh say mê học tập, hiếu lễ với gia đình được các em học sinh rất yêu thích. 

Hơn 100 ngôi nhà trong làng chài Thanh Trung có tranh vẽ cổ động trên vách tường hoặc trong nhà mình. Anh Hoàng, một người vẽ thành thạo cho biết, cứ dịp cuối tuần chúng tôi lại quây quần bên nhau thi phân tích tranh, thi thẩm định tranh. “Dù không chuyên nghiệp, mới dừng ở dạng bàn luận nhưng từ những cuộc bàn luận ấy, mọi người thấy gắn bó với nhau hơn. Ai cũng nhủ với lòng mình đừng phạm tội và phải bài trừ cái xấu. Những bức tranh có tác dụng như một liều thuốc tinh thần kỳ diệu vậy đấy”.