Sức hút của tranh thúc đồng

ANTĐ - Tranh thúc đồng “đơn sắc”, ngắm nghía lâu mới thấy từng đường nét chìm nổi tinh xảo trên các bức tranh. Người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam làm ra những bức tranh thúc đồng, và cũng là “ông tổ” của nghề tranh này là nghệ nhân Lê Văn Phú. 

Để miếng đồng không bị vỡ, nghệ nhân phải điều khiển lực gõ của mình

“Dệt” tranh trên đồng 

Bước vào căn nhà nhỏ xấp xỉ 20m2 nằm trên phố Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội) của nghệ nhân Lê Văn Phú, người xem ngỡ như lạc vào một xưởng chế tác thu nhỏ. Trên chiếc bàn gỗ bụi bặm cơ man các dụng cụ, nào là những chiếc ve dùng để đục, chạm, búa, bộ đèn khò…Trong đó, độc đáo nhất là những chiếc ve được ông nhặt nhạnh, chế tác từ những vật đơn giản như bu lông, đai ốc, mũi khoan, cần gương xe máy, trục xe đạp… Thành quả từ những vật dụng cũ kỹ đã theo nghệ nhân Lê Văn Phú mấy chục năm là hàng chục bức tranh thúc đồng được treo trên tường, được ông lưu giữ như bảo vật. 

Kỹ thuật chạm khắc thực ra đã có từ rất lâu, được các nghệ nhân ở những làng nghề nổi tiếng như Đồng Xâm, Đại Bái, Định Công… thực hiện trên các tác phẩm của mình. Thúc đồng có thể coi như một kiểu chạm khắc, dùng búa và ve tác động lên sản phẩm, nhưng tinh tế và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Vì để tạo ra được những hình thù, đường nét sống động, nghệ nhân thao tác chủ yếu trên mặt sau của miếng đồng. Bởi vậy, người thợ phải dùng kinh nghiệm để tưởng tượng nội dung sẽ hiện ra, từ đó điều khiển lực đập cho vừa đủ. Chỉ hơi quá tay, miếng đồng sẽ bị thủng, nhưng nếu vì thế mà sử dụng những miếng đồng quá dày, hoa văn hiện lên sẽ không được “căng” và sắc nét. Để làm ra được tác phẩm có độ sâu, ông Lê Văn Phú liên tục lật đi lật lại miếng đồng để làm nóng, cho miếng đồng mềm ra rồi thúc những đường dập nổi, chìm theo ý muốn. Trực tiếp xem ông Lê Văn Phú thao tác trên những miếng đồng mỏng dính, nhưng tạo được độ sâu lên tới… 2cm, ai cũng phải trầm trồ thán phục. 

Sức hút của tranh thúc đồng ảnh 2
Nghệ nhân Lê Văn Phú và những bức tranh thúc đồng có một không hai

Tác phẩm “độc bản”

Tranh thúc đồng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhưng để làm ra được một bức tranh hoàn chỉnh, nghệ nhân phải có kiến thức về hội họa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn, lại được học vẽ từ năm 16 tuổi, ông Lê Văn Phú sớm bộc lộ những tố chất của một nghệ nhân tài hoa. Phục vụ trong quân ngũ mấy chục năm, sau khi về hưu, ngay lập tức, ông đi khắp các cửa hàng mỹ nghệ để tìm hiểu xem có ai đã từng làm dòng tranh này. Bằng sự sáng tạo và vốn hiểu biết của mình, ông đã thành công trong việc “dệt” những bức tranh trên chất liệu đồng. Tháng 9 vừa qua, nghệ nhân Lê Văn Phú được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là “Người Việt Nam đầu tiên làm tranh thúc đồng”. 

Được hỏi, làm thế nào để những bức tranh “không màu” thu hút người xem đến vậy, ông cười bảo, “quan trọng là cái thần”. Ông lấy dẫn chứng, chỉ dùng bút chì vẽ hai quả cam, nhưng người xem lại cảm nhận được quả cam già, quả cam non, qua cách xử lý lớp vỏ trơn láng hay xù xì. Tranh thúc đồng cũng vậy, tuy chỉ dùng duy nhất một chất liệu, nhưng khi muốn tập trung vào chi tiết nào thì làm cho chi tiết đó sâu hơn. Xem tranh của ông, cùng một bức tranh, người xem vừa cảm nhận những bước chạy khỏe khoắn của chú ngựa đang tung vó, cùng với đó chất thơ của khung cảnh xung quanh với áng mây lững lờ trôi, với hoa cỏ rì rào trong gió... Chia sẻ về đề tài “đinh” của mình, nghệ nhân Lê Văn Phú cho biết ông vẫn trung thành với những đề tài truyền thống, trong đó dòng tranh dân gian được thực hiện nhiều hơn cả. Đó là những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nổi tiếng như Đám cưới chuột, Cá chép trông trăng, Đánh ghen, Hứng dừa… mỗi bức đều mang đậm cái hồn của dân tộc. Bên cạnh đó, ông cũng nhận lời làm theo yêu cầu của khách, trong đó được yêu thích nhất là những bức tranh con giáp hay danh thắng nổi tiếng như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột…. Để thể hiện những tác phẩm này, không đơn thuần là đặt tranh lên và chép, mà người thợ phải xử lý mảng khối, bố cục, thần thái bằng “ngôn ngữ” của thúc đồng. Bởi vậy mà những bức tranh của ông đều là “độc bản”. 

Ông kể, mình đã tìm được hai, ba học trò có khả năng, nhưng rồi họ cũng bỏ để làm nghề khác, vì không trụ được, thành ra chỉ còn con trai ruột là kế tục nghề của cha. Ông tâm sự: “Tranh cũng là một loại hàng hóa, nhưng là hàng hóa có tính nghệ thuật. Bởi vậy không thể làm ra rồi “đem con bỏ chợ”. Cái quan trọng là lúc nào cũng giữ được tâm huyết, không ngừng đào sâu và tìm ra cách thể hiện mới. Nếu chỉ chăm chăm làm cho giống, thì kiểu gì cũng trở nên thụ động, và sức sáng tạo cũng vì thế mà bị bào mòn”.