Sức hấp dẫn từ nghề diễn giả

(ANTĐ) - Thông qua khả năng diễn đạt của bản thân, một số người có thể lôi cuốn cả trái tim và khối óc của triệu triệu người nghe dù đó là những câu chuyện thường nhật hay khi đứng trên bục thuyết trình những vấn đề quan trọng.

Khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ của họ được mọi người ngưỡng mộ, và tuy đại diện cho rất nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, tất cả họ đều có điểm tương đồng - đó là tuân theo những bí quyết giao tiếp vô cùng hiệu quả.
Hơn 2 năm trước, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã trở thành “Diễn giả đắt giá nhất hành tinh”. Bởi, sau khi kết thúc bài nói chuyện kéo dài 30 phút tại Thủ đô Manila,  Philippines, ông Tony Blair đã được nhận 256.000 USD (tương đương với mức thu nhập 1 năm của ông khi còn trên cương vị Thủ tướng). Công việc của ông Tony Blair đã trở thành một nghề khá thịnh hành trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển và sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính như Anh, Mỹ, Australia, Canada, Ireland, Singapore…  

Tại Việt Nam,“nghề diễn giả” hay “công việc diễn thuyết” xuất hiện một cách đại chúng chưa lâu, dấu mốc bắt đầu khi các tổ chức, cá nhân có uy tín đứng ra mời các diễn giả trên thế giới sang Việt Nam thuyết trình với kinh phí chi trả khá cao. Cũng từ đó, các buổi diễn thuyết của các diễn giả Việt Nam cũng dần xuất hiện tùy theo quy mô và nội dung thể hiện. Có thể nói diễn giả là một nghề hướng đến công chúng, và không phải ai cũng có thể sẵn sàng bước lên bục để “nói chuyện” với hàng nghìn khán - thính giả.

Vậy những ai đủ khả năng để bước vào con đường này(?) Chính sự hội nhập và đã có những diễn giả Việt Nam tiên phong, đúc rút kinh nghiệm sẻ chia giúp nhiều bạn trẻ nhìn nhận cơ hội để chứng minh bản thân trong công việc này. Trong cuốn sách “10 bí quyết thành công của những diễn giả tài năng nhất thế giới” của tác giả Carmine Gallo đã hé mở cho chúng ta bí quyết để rèn luyện. 10 bí quyết được nằm lượt trong 4 phần: Hãy quan tâm thực sự đến người nghe; Thu hút và theo dõi sự chú ý của người nghe; Nói chuyên với phong thái, cử chỉ linh hoạt thông minh; Biết cách sáng tạo, tạo hứng khởi cho thính giả.

 

Nghề diễn giả luôn có lực hút rất lớn đối với các bạn trẻ 

Diễn giả Việt Nam Quách Tuấn Khanh khi được hỏi về phương châm diễn thuyết đã được ông nhận định trên các phương tiện truyền thông đại chúng rằng: “Chỉ nói những gì bản thân mình đã làm được và trải nghiệm. Nói một cách khác, sức mạnh thuyết phục của diễn giả chính là sự thật, là làm gương cho người khác từ trong gia đình lẫn ngoài xã hội”. Và diễn giả Quách Tuấn Khanh cũng chia sẻ 7 bí quyết cơ bản dành cho ai muốn vào nghề diễn giả: “Đầu tiên phải nói hay; Có khả năng diễn tốt; Có kiến thức sâu và rộng; Học hỏi và thực hành mọi lúc, mọi nơi; Tin tưởng vào con người và những điều tốt đẹp; Mong muốn giúp người khác thành công; Đừng trở thành bản sao của bất cứ ai”.

Có thể khẳng định nghề diễn giả là một công việc mang đến một thu nhập khá cao, tuổi thọ nghề lâu dài cho người theo đuổi và thành công với nó. Mức thù lao cho một diễn giả được trả cho một buổi nói chuyện có biên độ rộng, tùy vào sự nổi tiếng, sức ảnh hưởng và khả năng - tất cả gói gọn trong 2 chữ “thương hiệu” của mỗi người; từ mức vài trăm, vài nghìn, hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD. Những diễn giả xuất sắc nhận mức thù lao cao trên thế giới hiện nay có thể kể tên như Zig Ziglar, Stephen Covey, Harvey Mackay, Ken Blanchard, James Carville, Anthony Robbins, Jack Canfield…

Cái hay của nghề diễn giả đó là phạm vi hoạt động nghề nghiệp rộng, thể tài diễn thuyết đa dạng bao gồm tất cả mọi mặt của cuộc sống từ sức khỏe, định hướng cuộc sống, sự hạnh phúc, làm sao thành công, khởi nghiệp, làm giàu, nuôi dưỡng giấc mơ, kỹ năng chinh phục… Nhưng ý nghĩa đằng sau bất kỳ một buổi diễn thuyết của diễn giả nào đi nữa cũng là muốn kể những câu chuyện có thật, chia sẻ kiến thức, sự tích lũy từ giảng đường đến kinh nghiệm thu lượm từ thực tế về mọi mặt của cuộc sống, quy luật được đúc kết từ cuộc sống và không tách rời cuộc sống của bất kỳ ai để từ đó truyền niềm tin, nghị lực và tình yêu với cuộc sống sang cho người nghe.  

Hiện nay, nghề diễn giả tại Việt Nam đang dần định hình; chúng ta đã biết dần đến những diễn giả quen thuộc, có tiếng như Quách Tuấn Khanh, Trần Đăng Khoa, Huỳnh Văn Sơn, Lý Quý Trung, Nguyễn Trần Quang, Dương Ngọc Dũng, Đỗ Thành Năm… với nhiều lợi thế đặc biệt như không bị rào cản ngôn ngữ, hiểu được văn hóa, tâm lý người Việt nên dễ dàng truyền đạt, đồng cảm và chia sẻ. Có thể ví như một môn nghệ thuật của công chúng, nghề diễn giả khi đó buộc “người nghệ sỹ” phải có kiến thức, kỹ năng nói, truyền đạt và sự tự tin cao độ; khó nhưng cơ hội được mở ra với tất cả mọi người.

Tin cùng chuyên mục